Thay đổi sản xuất nông nghiệp để phát triển đời sống nông thôn
Để đạt mục tiêu về xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn 2021-2025, ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang cũng đề ra nhiều sự thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, phát triển nông nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản của tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn 2021-2025 sẽ thực hiện theo 3 tiểu vùng dựa trên hiện trạng bản đồ đất của tỉnh, gồm: vùng ngọt, vùng chồng lấn ngọt - lợ, vùng lợ ngoài đê.
Trong đó, tỉnh tập trung phát triển nền nông nghiệp miệt vườn, xây dựng trung tâm chuyên canh cây ăn trái với các loại sản phẩm chiến lược như: mít, bưởi, chanh không hạt...
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát triển mạnh các vùng lúa gạo tập trung, vùng thủy sản nước ngọt và vùng đóng vai trò điều tiết nước ngọt cho vùng ven biển. Đặc biệt, tỉnh từng bước xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, đó là tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản và trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo thông qua hình thức tổ chức sản xuất là các hợp tác xã nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát triển mô hình nông nghiệp có quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ; phát triển liên kết ngang giữa các tác nhân kinh tế hộ, nông trang, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp,… đồng thời phát triển liên kết dọc theo toàn chuỗi giá trị (với các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra) để đảm bảo sản xuất hàng hóa lớn, đồng bộ trong cả chuỗi giá trị…