Thấy gì từ gói kích thích mới của Mỹ?
Kế hoạch phục hồi kinh tế của Tổng thống Joe Biden vừa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, trong đó sẽ giải ngân 1,9 nghìn tỷ USD.
Gói kích thích này cộng với tổng số tiền kích thích tài khóa trị giá 3.100 tỷ USD dưới thời ông Trump, tương đương khoảng 23% GDP Mỹ.
Vực dậy nền kinh tế
Theo kế hoạch, sẽ có 1,4 nghìn tỷ USD phân phối cho hầu hết người Mỹ; 350 tỷ USD cho ngân sách các bang; 130 tỷ USD cho hệ thống giáo dục và phần còn lại phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ chống dịch Covid-19.
Lượng tiền này được kỳ vọng góp phần vực dậy kinh tế Mỹ, lấp lỗ hổng cho 9,5 triệu việc làm. Đây là gói cứu trợ lớn thứ 2 trong lịch sử xứ cờ hoa, và nó được xem là thành tựu đầu tiên của ông Joe Biden.
Thực ra, gói kích thích này không hề bất ngờ, nhất là với quan điểm điều hành đất nước của đảng Dân chủ - họ muốn kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động bằng cách nắm vững các kênh tái phân phối của cải vật chất cho các tầng lớp trong xã hội.
Nhìn đi nhìn lại, ông Joe Biden không còn lựa chọn nào khác ngoài sử dụng sức mạnh của đồng USD để chiến đấu với dịch bệnh và suy thoái kinh tế, đây cũng là cách mà người tiền nhiệm Donald Trump từng làm. Nhưng cách thức này không phải không có “tác dụng phụ”.
Đo đếm thiệt, hơn
Theo tính toán của Viện Brookings, gói kích thích này giúp GDP của Mỹ tăng thêm 4% vào cuối năm 2021, 2% vào cuối năm 2022 và ở mức không đáng kể vào năm 2023.
Trong đó, mức độ chi tiêu của người dân Mỹ sẽ tăng trên 14% sau khi tiền được giải ngân. Các quốc gia xuất khẩu nhiều vào Mỹ sẽ hưởng lợi nhờ thị trường tiêu dùng Mỹ sôi động trở lại.
Các số liệu cho thấy hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tháng 1/2021 đã tăng vọt 70,3% so cùng kỳ năm trước và 6,2% so với tháng 12/2020, đạt 8,2 tỷ USD.
Như quy luật “nước chảy chỗ trũng”, dòng vốn dồi dào từ Mỹ sẽ tìm đến các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để các nước tính lũy thêm đồng USD phục vụ thương mại xuyên biên giới.
Tuy nhiên, không chỉ ở Mỹ, nhiều quốc gia khác đã bơm ra tổng cộng hàng chục nghìn tỷ USD để kích thích phục hồi nền kinh tế. Điều này có nguy cơ gây ra lạm phát trên phạm vi rộng trong bối cảnh “thừa tiền tương đối” ở nhiều nền kinh tế do doanh nghiệp bị đẩy ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lạm phát gia tăng, USD mất giá và nợ Chính phủ Mỹ tăng nhanh, sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống tài chính của phần còn lại, buộc các ngân hàng trung ương phải cẩn trọng với chính sách tài khóa- tiền tệ vốn đã được nới lỏng trong thời gian khá dài.
Có rất nhiều cuộc khủng hoảng thứ cấp đang manh nha khi các quốc gia tích cực bơm tiền vào nền kinh tế, nguy hiểm nhất là tình trạng bất định của dòng tiền, “bong bóng tài chính”, trong khi sức sản xuất thực tế chưa được khôi phục trở lại.