Thế giới đang nợ “nhiều chưa từng thấy“

Theo Liên Trang/kinhtevadubao.vn

Tổng số nợ trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 226.000 tỷ USD, gấp hơn 3 lần tổng sản lượng kinh tế hàng năm của thế giới.

Tổng số nợ trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 226.000 tỷ USD. Nguồn: Internet
Tổng số nợ trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 226.000 tỷ USD. Nguồn: Internet

Viện Tài chính quốc tế (IIF) mới đây cho biết, một số nước mới nổi trên thế giới đang đứng trước những thách thức lớn vì đã vay nợ ồ ạt bằng những ngoại tệ mạnh như đồng Euro hoặc USD. Trong tổng số nợ khổng lồ 226.000 tỷ USD trên, số nợ cần phải trả hoặc đáo hạn từ nay tới cuối năm 2018 của các nước đang phát triển lên tới 1.700 tỷ USD, trong khi các nước này không được bảo đảm sẽ được hưởng những điều kiện vay với lãi suất thấp.

Những khoản nợ bằng ngoại tệ mạnh của những nước mới nổi đã vượt quá con số 8.200 tỷ USD, tức gần 15% tổng dư nợ của các nước đang phát triển toàn cầu.

Theo IIF, mặc dù có sự giảm đôi chút về tốc độ tăng nợ toàn cầu, nhưng số nợ của Trung Quốc lại tăng nhanh. Chỉ riêng năm 2016, các khoản nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng thêm 660 tỷ USD, cao hơn nhiều so với nợ của Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc hơn của Nhật Bản trước cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng năm 1991.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng căng thẳng về nợ cũng tăng mạnh, nhất là ngày càng gặp khó khăn trong thanh toán nợ và lãi suất do các khoản vay tư nhân tăng cao, vượt rất nhiều so với năm 2010. Riêng tại Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, số nợ của các doanh nghiệp đã chiếm hơn 20% tổng số nợ công và tỷ lệ này ở Trung Quốc là gần 16%.

Ở các nước phát triển khác như Canada, Đức và Pháp, nợ công đang có chiều hướng tăng lên nhưng tại Nhật Bản và Anh lại có dấu hiệu cải thiện.

IIF cảnh báo, đối với nhóm nước có nợ công tăng, khối nợ phình to có thể tạo ra những trở ngại đối với tăng trưởng trong dài hạn và rốt cục đặt ra những rủi ro đối với sự ổn định tài chính.

Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng trung ương lớn thế giới đang có kế hoạch chấm dứt chính sách tín dụng nới lỏng, cho vay với lãi suất thấp hiện nay.
Cụ thể, theo Reuters, Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ cắt giảm chương trình lãi suất kéo dài suốt 2,5 năm qua vào ngày 2/11 tới, trong khi Ngân hàng Anh cũng lên kế hoạch tăng tỷ lệ lãi suất lần đầu tiên trong một thập niên, còn Fed dự định sẽ tăng lãi suất lần thứ ba trong năm 2017.