Thế giới sau đại dịch
Thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19 qua đi, cuộc sống dần trở lại bình thường và kinh tế sẽ hồi phục? Thực tế không hề đơn giản, để làm được điều đó còn cả một chặng đường chông gai phía trước. Thế giới đã thay đổi hoàn toàn trong cơn đại dịch, nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và những ngành nghề khác sẽ không còn như trước.
Một thế giới dễ tổn thương
Đại dịch COVID-19 đã đẩy thế giới vào suy thoái kinh tế trầm trọng. Năm 2020, kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 3,5%, nghĩa là sản lượng kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 4.000 - 5.000 tỷ USD. Các ngành hàng không, du lịch, khách sạn gần như bị tê liệt, thiệt hại vô cùng nặng nề và còn rất lâu nữa mới có thể khôi phục trở lại.
Chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các trung tâm sản xuất lớn của thế giới phải đóng cửa các nhà máy sản xuất nhiều tháng trời, đặc biệt sự thiếu hụt chip bán dẫn nghiêm trọng dẫn đến hầu hết các nhà máy ô-tô của Ford, General Motors, Mercedes-Benz, Toyota, Nissan, Volkswagen, Subaru... đều phải ngừng sản xuất.
Dịch COVID-19 đã đẩy thất nghiệp toàn cầu tăng kỷ lục (dự báo cán mốc 205 triệu người vào năm 2022). Thanh niên và phụ nữ có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, trong khi nhóm lao động phi chính thức, lao động hè phố đô thị là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, những tiến bộ trong công tác xóa đói, giảm nghèo gần như bị xóa sạch. Những thành công của việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong 15 năm qua có nguy cơ “trôi sông, đổ bể”.
Đại dịch đã cho thấy những yếu điểm trong các chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là các chuỗi sản xuất, vận chuyển và phân phối. Chưa bao giờ cả hệ thống bị đứt gãy trong một khoảng thời gian dài đến vậy. Cùng với sự tái cấu trúc lại chuỗi giá trị, sản xuất là sự gia tăng mâu thuẫn và đối đầu giữa các cường quốc kinh tế, đặc biệt là giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, giữa xu hướng toàn cầu hóa và xu hướng dịch chuyển sản xuất về trong nước của Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Dịch bệnh chỉ ra rằng, nhiều tập quán xã hội, thói quen cũ là những thứ tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, vô tình lan truyền dịch bệnh, không chỉ SARS-CoV-2 mà cả các virus khác trong tương lai.
Một số ít ngành kinh tế trụ vững, thậm chí tăng trưởng cao. Đó là những ngành kinh tế số, làm việc trực tuyến trên internet như phần mềm, công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, vận tải công nghệ, vận chuyển thực phẩm, dịch vụ tài chính trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến. Tất nhiên, các công ty dược phẩm là một trong số những bên hưởng lợi.
Để thích ứng với dịch bệnh, thói quen mua sắm, đi lại, du lịch, học hành của xã hội cũng sẽ thay đổi: mua bán trực tuyến sẽ tăng nhanh, mua tại cửa hàng sẽ giảm; thanh toán trực tuyến sẽ tăng, thanh toán tiền mặt giảm; đi du lịch nội địa, du lịch gần sẽ tăng, du lịch xa, phải đi máy bay sẽ giảm; các ngành nghề có thể làm việc từ xa sẽ phát triển, tăng trưởng cao hơn những ngành nghệ buộc phải làm việc tại chỗ…
Đại dịch qua đi, có những ngành kinh tế sẽ hồi phục nhanh, nhưng có những ngành sẽ hồi phục chậm (hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán bar), thậm chí có những ngành sẽ bị ảnh hưởng vĩnh viễn không bao giờ hồi phục. Nhưng cũng có những ngành như y tế, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm nhu cầu lại tăng dài hạn. Thế giới của chúng ta đã định hình lại theo một hướng hoàn toàn khác so những tưởng tượng của chúng ta trước thời điểm diễn ra đại dịch.
Thích ứng với dịch bệnh
Để có thế sống chung với COVID-19, sẵn sàng đối chọi với dịch bệnh khác trong tương lai, hệ thống y tế cần phải thay đổi theo hướng giảm thấp nhất thiệt hại về sinh mạng và sức khỏe của người dân, giúp nền kinh tế vẫn có thể vận hành tương đối bình thường trong đại dịch.
Các bệnh viện đa khoa, các trường đại học y cần thành lập ngay khoa dịch bệnh lây nhiễm (chuyên khoa corona virus). Cần đúc kết thực tế về công tác phòng, chống, sự lây lan, sàng lọc, xét nghiệm, khám, điều trị, tiêm vaccine để đưa ngay vào giáo trình đào tạo, phác đồ điều trị. Cùng với đó, xây dựng và nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, bao gồm cả y tế phường, xã và bác sĩ gia đình. Nâng cao năng lực điều trị, nhất là hồi sức cấp cứu. Cho phép hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh.
Đầu tư nghiên cứu thử nghiệm, có chiến lược tự chủ về vaccine, kit xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR, thuốc đặc trị COVID-19 song song việc nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận nhanh, kịp thời các thành tựu mới nhất của y khoa và dược trên thế giới. Tự chủ trong việc sản xuất thiết bị y tế máy thở, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, không những đủ dùng trong nước mà còn xuất khẩu quy mô lớn.
Cần nhanh chóng chuyển các dịch vụ công của chính phủ cũng như của doanh nghiệp để phục vụ người dân và doanh nghiệp sang dịch vụ trực tuyến (áp dụng công nghệ số), nghĩa là doanh nghiệp, người dân có thể làm thủ tục trực tuyến tại nhà cũng như nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nhà. Các ngành ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính và doanh nghiệp tài chính cần cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân; tất cả các giao dịch thanh toán, chuyển tiền, cho vay, bảo hiểm, đầu tư, thư tín đều có thể thực hiện tại nhà.
Nên thay đổi thói quen của xã hội, tổ chức trực tuyến tối đa các hoạt động họp hành, hội thảo, đại hội cổ đông, đào tạo nhân viên, bán hàng, trình bày giải pháp, khuyến khích chuyển sang làm việc tại nhà. Kinh tế số không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, giảm sự lây lan dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19 vừa là khó khăn, thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội lớn. Đặc biệt với những quốc gia đang trên con đường xác lập vị thế của mình như Việt Nam. Một thế giới hoàn toàn khác cũng có thể dẫn tới một Việt Nam với nhiều thay đổi tích cực trong tương lai!