Giữa đại dịch, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng ra sao?
Bất chấp giãn cách xã hội, trong quý III/2021, nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng tốt, nhờ đó kết quả kinh doanh vẫn khả quan.
Xét một cách tổng thể, càng khó khăn, dịch bệnh, nhu cầu tiếp cận vốn của doanh nghiệp càng cao. Ngân hàng Nhà nước cũng gửi thông điệp, khi có điều kiện mở rộng sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Vì vậy việc phân bổ thêm hạn mức tín dụng cuối năm cho các ngân hàng rất cần thiết.
Lợi nhuận đến từ tăng trưởng tín dụng
Lãnh đạo một số nhà băng thừa nhận, kết quả kinh doanh quý III/2021 khó tránh khỏi nguy cơ suy giảm do tác động của dịch COVID-19 do nhu cầu tín dụng của khách hàng giảm trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài nhằm phòng chống dịch. Tuy nhiên, ngân hàng nỗ lực gia tăng nguồn thu ngoài lãi, song lợi nhuận thu về không đạt kế hoạch quý, ước hoàn thành khoảng 90%.
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho hay, trong 3 tháng vừa qua, ảnh hưởng bởi dịch bệnh là rất rõ ràng, ngân hàng đã có những điều chỉnh tích cực theo hướng đa dạng hóa được nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, ở một số ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng trong quý III khả quan. Tính đến thời điểm hiện nay, TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt 75,76% kế hoạch của cả năm, tương đương khoảng 4.394 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh nhiều trung tâm kinh tế lớn trên cả nước bị giãn cách xã hội kéo dài. Đáng lưu ý, trong quý III lợi nhuận trước thuế đạt 1.400 tỷ đồng nhờ tín dụng tăng 16% so với đầu năm.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác chưa công bố kết quả kinh doanh quý III, nhưng số liệu dự báo của SSI Research cho thấy, lợi nhuận của nhiều nhà băng vẫn khả quan. Đơn cử như Techcombank được dự báo đạt 5.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhờ tín dụng tăng 16%; Vietcombank với khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhờ tăng trưởng tín dụng 11,5% so với đầu năm; HDBank ước tính, lợi nhuận trước thuế trong quý III đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 9/2021 đạt 9,5%.
Nguyên nhân giúp tín dụng ở một số ngân hàng duy trì đà tăng cao do các ngân hàng đẩy mạnh chương trình hỗ trợ lãi suất giúp khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Chính sách tiền tệ trong thời gian qua duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch. Cùng với việc tăng hạn mức tín dụng trong quý III đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thể đẩy mạnh vốn ưu đãi ra thị trường”.
Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, trong 3 tháng của quý III phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ cho các doanh nghiệp “đóng cửa” để phòng chống dịch. Thế nhưng tín dụng trên địa bàn tăng 0,76% so với quý II. Mức tăng này chủ yếu đến từ hoạt động hỗ trợ lãi suất cho vay theo cam kết với NHNN kể từ giữa tháng 7.
Tín dụng dự báo sẽ về đích
Theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, cộng thêm kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế và cam kết của các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các gói hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các nhu cầu vốn của các doanh nghiệp ngay khi Chính phủ nới lỏng giãn cách, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi trở lại trong quý IV và đạt mục tiêu cả năm 2021 là 12%.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết bên cạnh hàng loạt chính sách cơ cấu giãn nợ, hỗ trợ lãi vay mà mà các ngân hàng đang triển khai, hiện nay NHNN cũng đang xem xét về việc đưa gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng (lãi suất 3 - 4%/năm) ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các gói vay ưu đãi, lãnh đạo NHNN cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đối thoại gỡ vướng, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, đưa cơ chế chính sách vào thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên, trước đề xuất của một số ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong quý IV, ông Tuấn Anh nói: "Ngân hàng còn có dư địa tín dụng, mục tiêu năm nay là 12% nhưng linh hoạt, nếu cần thiết vẫn có thể mở, nếu có điều kiện mở rộng sẽ mở ngay để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp".
Trong thông điệp vừa phát đi, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên cơ sở các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng.