Thêm cơ hội nắm bắt xu hướng phát triển BHXH mới

PV.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tại Hội thảo trao đổi về tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chế độ hưu trí giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức diễn ra ngày 7/11 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo trao đổi về tài chính BHXH, BHYT, BHTN và chế độ hưu trí giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.
Toàn cảnh Hội thảo trao đổi về tài chính BHXH, BHYT, BHTN và chế độ hưu trí giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.

Hội thảo do Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức với sự tham dự của TS. Heinricht Jess, Chuyên gia cao cấp về tài chính của Cơ quan Bảo hiểm hưu trí Cộng hòa Liên bang Đức; GS.,TS. Hans Fehr - Chủ nhiệm bộ môn khoa học tài chính, Trường Đại học Tổng hợp Wurzburg - Đức; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và BHXH 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam).

Tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết, Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời về chính sách an sinh xã hội và có nhiều kinh nghiệm về tổ chức thực hiện chính sách BHXH cho người lao động và bảo hiểm y tế toàn dân. Đây là cơ hội để BHXH Việt Nam tham khảo, học hỏi kinh nghiệm hữu ích về quản lý tài chính, tổ chức thực hiện chính sách BHXH và nắm bắt kịp thời về xu hướng phát triển BHXH trong tương lai.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, hiện tại, số người tham gia BHXH bắt buộc ở Việt Nam là 13,23 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện là 243 nghìn người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,23 triệu người; số người tham gia bảo hiểm y tế là 79,08 triệu người.

Chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống an sinh xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức, TS. Heinricht Jess cho biết, hệ thống an sinh xã hội của Đức được chia thành các quỹ: Quỹ Bảo hiểm hưu trí (gồm hưu trí, tàn tật và tử tuất); Bảo hiểm ốm đau; Bảo hiểm chăm sóc ốm đau dài ngày; Bảo hiểm thất nghiệp (gồm chế độ thất nghiệp và cơ quan giới thiệu việc làm); Bảo hiểm tai nạn lao động. Trong đó, mức đóng góp vào từng quỹ được quy định như sau: Với chủ sử dụng lao động là 9,35% đối với Quỹ Hưu trí; 7,3% đối với Quỹ Khám chữa bệnh; 1,27% đối với Bảo hiểm chăm sóc dài hạn; 1,5% đối với bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với bảo hiểm hưu trí, theo TS. Heinricht Jess, ở Đức có các tầng hưu trí như: Hưu trí cá nhân (có các đối tượng do Nhà nước hỗ trợ và Nhà nước không hỗ trợ); hưu trí theo việc làm mà cụ thể đối với ngoài khu vực công là bảo hiểm tự nguyện, còn đối với trong khu vực công là bảo hiểm bắt buộc; hưu trí phổ quát bắt buộc là bảo hiểm hưu trí cho công chức…

Tuy nhiên, do nhu cầu về hưu trí ở Đức tăng cao ở nhiều tầng lớp nên Chính phủ Đức đang nghiên cứu nhiều giải pháp để phát triển an sinh xã hội của đất nước và nâng cao quyền lợi của người dân. Để đạt được mục tiêu này, quyền lợi hưu trí bắt buộc sẽ giảm và hưu trí tự nguyện bổ sung sẽ phát triển. Thêm vào đó, những thay đổi về quá trình làm việc, tính toán và thuế sẽ làm cho mức quyền lợi giảm thêm.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi một số nội dung như: Quản lý tài chính Quỹ BHXH; kinh nghiệm chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH; cân đối quỹ; đàm phán các hiệp định song phương giữa hai nước Việt Nam và Đức về BHXH...