9 tháng, 21 tỉnh vượt Quỹ khám, chữa bệnh BHYT hơn 100 tỷ đồng

N.Thanh

Đây là một trong những nội dung được BHXH Việt Nam thông tin tới các cơ quan báo chí tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017 tổ chức chiều 31/10/2017. Đây cũng là lần đầu tiên, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Gia tăng bất hợp lý chi phí khám chữa bệnh BHYT chủ yếu do tăng chi giá dịch vụ y tế chưa hợp lý.
Gia tăng bất hợp lý chi phí khám chữa bệnh BHYT chủ yếu do tăng chi giá dịch vụ y tế chưa hợp lý.

Tăng 7.579 tỷ đồng thanh toán BHYT

Thông báo về tình hình thanh toán chi phí khám chữa bệnh 9 tháng năm đầu 2017, ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến 31/09/2017, đã có 122,6 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán BHYT với số tiền 63.593 tỷ đồng, tăng 7.579 tỷ đồng (so với 31/08/2017).

21 tỉnh có chi phí khám, chữa bệnh BHYT 9 tháng vượt quỹ KCB BHYT cả năm 2017 trên 100 tỷ đồng. BHXH các tỉnh, thành phố đã từ chối 358.668 danh mục dịch vụ, tỷ lệ 2,74% số đề nghị của cơ sở KCB. Quá trình giám định danh mục vẫn có tình trạng đề nghị áp dụng các dịch vụ chưa được Bộ Y tế phiên tương đương. Việc điều chỉnh, bổ sung thông tin còn thiếu so với qui định.

Liên quan đến việc liên thông chất lượng chi phí KCB BHYT, tính đến tháng 9, toàn quốc có 12.135 cơ sở khám chữa bệnh BHYT liên thông dữ liệu lên Hệ thống thông tin giám định BHYT, tỷ lệ bình quân đạt 96,3%. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ liên thông thấp như Thành phố Hồ Chí Minh (82,32%), Thành phố Hà Nội (87,11%), Bà Rịa-Vũng Tàu (90,91%), Hưng Yên (92,50%). Tới hết tháng 9/2017, số hồ sơ gửi đúng ngày tăng 3,3%, đạt tỷ lệ 48,1% (so với tháng 8 là 44,8%).

Theo ông Trung, những nguyên nhân chính dẫn đến việc các cơ sở y tế dữ liệu đề nghị thanh toán còn sai sót, chủ yếu là do người đứng đầu chưa thực sự quan tâm ứng dụng CNTT trong giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT; chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện mã hóa DMDC và trích chuyển dữ liệu; không thực hiện đối chiếu, chốt dữ liệu thông tin của phiếu thanh toán với danh mục dùng chung đã thống nhất với cơ quan BHXH; dữ liệu điện tử không đối chiếu đúng nội dung, chi phí với chứng từ lưu tại bệnh viện; tính sai thuốc, dịch vụ kỹ thuật thanh toán theo điều kiện, tỷ lệ căn cứ qui định của Bộ Y tế; ghi nhận sai tỷ lệ quyền lợi hưởng BHYT với các bệnh nhân có tổng chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn tương đương 15% mức lương cơ sở, không phải thực hiện cùng chi trả.

Tăng chi do giá dịch vụ y tế chưa hợp lý

Đại diện BHXH  Việt Nam cũng đã có những trao đổi về nguyên nhân làm gia tăng bất hợp lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT và một số giải pháp khắc phục.

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng bất hợp lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT chủ yếu là do tăng chi do giá dịch vụ y tế chưa hợp lý; không thực hiện đúng định mức theo quy định; thống kê thanh toán dịch vụ kỹ thuật còn nhiều bất cập; tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm; tăng số lượng khám, chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý; kéo dài ngày điều trị; mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý; trục lợi quỹ BHYT...

Theo ông Phúc, để khắc phục tình trạng trên, cần hoàn thiện và ban hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; xây dựng mức giá dịch vụ KCB phù hợp với điều kiện, khả năng cung ứng của các cơ sơt KCB; thay đổi phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; xây dựng chính sách cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư y tế đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và an toàn; tăng cường khám, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở, giảm tỷ trọng KCB tại tuyến tỉnh, trung ương; kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách còn thiếu, không phù hợp hoặc khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Về tổ chức thực hiện cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý quỹ của tất cả các bên; tăng cường phối hợp thực hiện giữa ngành y tế và BHXH; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát công tác khám, chữa bệnh BHYT; mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư y tế tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn nhiều vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung hướng tới sự công bằng, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi người lao động, người dân và đúng quy định của pháp luật.

BHXH Việt Nam luôn sẵn sàng chủ động, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời những vấn đề về BHXH, BHYT mà dư luận quan tâm đến các cơ quan thông tấn, báo chí và mong muốn, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT để người dân hiểu và tích cực tham gia.