Thêm dòng tiền mới gia nhập thị trường chứng khoán

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Chứng chỉ quỹ (CCQ) mở của Quỹ Đầu tư cổ phiếu Manulife (MAFEQI) sẽ được chào bán lần đầu ra công chúng từ ngày 26/8/2014 đến 23/10/2014, với giá chào bán lần đầu 10.000 đồng/CCQ.

TTCK Việt Nam là thị trường còn non trẻ nhưng nhiều tiềm năng. Nguồn: internet
TTCK Việt Nam là thị trường còn non trẻ nhưng nhiều tiềm năng. Nguồn: internet

Vốn điều lệ tối thiểu huy động trong đợt IPO này là 50 tỷ đồng. Đây cũng là quỹ mở đầu tiên của Manulife Asset Management tại Việt Nam.

Mục tiêu đầu tư mà Quỹ MAFEQI hướng đến là đầu tư ít nhất 50% tài sản của Quỹ vào các cổ phiếu tốt trong các ngành ít có tính chu kỳ như ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm, viễn thông. Theo bà Trần Thị Kim Cương, Giám đốc Đầu tư cổ phiếu Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Việt Nam, đây là những ngành tăng trưởng bền vững, dù trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thì doanh thu, lợi nhuận của những công ty ngành này vẫn ổn định, thậm chí là tăng trưởng tốt.

Phần còn lại, Quỹ sẽ đầu tư vào cổ phiếu của các công ty tăng trưởng mạnh cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế và có sự linh động trong việc phân bổ tỷ lệ tài sản này. Danh mục đầu tư của MAFEQI chủ yếu là cổ phiếu niêm yết, còn cổ phiếu chưa niêm yết chiếm không quá 10%.

Giải thích lý do định hướng đầu tư vào cổ phiếu của Quỹ, bà Kim Cương cho biết, nghiên cứu các thị trường chứng khoán (TTCK) khác trên thế giới cho thấy, theo thời gian, chỉ số giá chứng khoán có xu hướng tăng lên và tạo tỷ suất sinh lợi tốt về mặt dài hạn, dù trong ngắn hạn vẫn có những biến động mạnh. Chẳng hạn, tại TTCK Mỹ, trong giai đoạn khủng hoảng, ví dụ năm 2008, chỉ số chứng khoán Mỹ giảm tới 53%, Philippines giảm 51% và Indonesia giảm 49%. Tuy nhiên, sau đó, giá cổ phiếu đều tăng trở lại, tại Mỹ, trong 40 năm qua, tỷ suất sinh lời trung bình từ TTCK là 8,8%/năm, tại Philippines trung bình trong 17 năm là 10% và tại Indonesia trung bình trong 31 năm là 10%.

Tại TTCK Việt Nam, là thị trường còn non trẻ nhưng nhiều tiềm năng, hiện tại, P/E ở mức 15,2 lần, thấp hơn so với thị trường tương đồng trong khu vực là Philippines 20 lần và Indonesia 20,2 lần. Bên cạnh đó, quy mô TTCK Việt Nam mới chỉ bằng 26% GDP, trong khi ở các nước phát triển khác trên thế giới, tỷ lệ này chiếm từ 90% GDP trở lên.

Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, đến năm 2020, quy mô TTCK sẽ chiếm 70% GDP, tạo ra nhiều cơ hội tốt trong dài hạn cho NĐT trong và ngoài nước. Trong đó, mô hình quỹ mở cho phép NĐT tiết kiệm thời gian nghiên cứu thực hiện đầu tư bằng cách đầu tư định kỳ hoặc 1 lần và các khoản đầu tư đa dạng với số tiền đầu tư không lớn.

Theo ông Đào Đức Dũng, Trưởng Phòng Phát triển sản phẩm và Tư vấn danh mục Công ty Quản lý quỹ Manulife Việt Nam, mục tiêu thúc đẩy quy mô TTCK chiếm tới 70% GDP cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển quỹ mở tại Việt Nam. Hiện quy mô quỹ mở nội địa còn khá khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2013, tổng giá trị tài sản của các quỹ mở là 99 triệu USD, chiếm 0,13% GDP. Trong khi đó, tại Malaysia, quy mô quỹ mở chiếm tới 40% GDP, tại Thái Lan là 15% GDP, và Indonesia là trên 2%. Qua đó cho thấy, dư địa phát triển quỹ mở tại Việt Nam còn rất lớn.