Bộ Tài chính:

Theo dõi sát giá cả mặt hàng thiết yếu, đề xuất giải pháp bảo đảm bình ổn thị trường


Những tháng đầu năm 2019, nhiều yếu tố tác động đến CPI như: Điện tăng giá theo lộ trình, giá xăng dầu thế giới từ tháng 12/2018 cũng bắt đầu tăng với mức tăng khá cao, rất khó đoán định được sự lên xuống giá. Vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý trong công tác điều hành giá cần thận trọng và tính toán nhiều yếu tố, tránh việc tăng giá cùng lúc nhiều mặt hàng, ảnh hưởng đến giá tiêu dùng.

Công tác điều hành giá cần thận trọng và tính toán nhiều yếu tố, tránh việc tăng giá cùng lúc nhiều mặt hàng, ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Nguồn: Internet
Công tác điều hành giá cần thận trọng và tính toán nhiều yếu tố, tránh việc tăng giá cùng lúc nhiều mặt hàng, ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Nguồn: Internet

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu nhằm bình ổn giá, nhất là thời điểm các dịp lễ, tết.

Ngay trong tháng 01 và tháng 02/2019, Bộ Tài chính đã tập trung quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình giá xăng dầu thế giới, diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước. Trong tháng 02/2019, Bộ Tài chính đã ban hành 02 công văn gửi Bộ Công thương về điều hành giá xăng dầu.

Tại Chương trình công tác tháng 03/2019, Bộ Tài chính đã đưa việc tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường là một trong những công tác trọng tâm. Theo đó, theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong nước để tham gia với Bộ Công thương điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành; Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: Khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm....

Đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng chung, hạn chế tác động của chi phí đẩy ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.

Mới đây, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 18/3, nhằm mục đích điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội trong bối cảnh điện tăng giá  theo lộ trình, đồng thời tiếp tục góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) ở mức cao tại kỳ điều hành này. Giá xăng dầu giữ ổn định đến hết tháng 3/2019