Thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin: Bước chuẩn bị để du lịch "thức giấc"
Tổng cục Du lịch đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch, thí điểm đón khách quốc tế thông qua hộ chiếu vắc xin vào Phú Quốc (Kiên Giang), báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2021.
Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 5/2021, hoạt động du lịch gần như đóng băng khi các tour bị huỷ lên tới 90% ở nhiều địa phương. Trước bối cảnh này, các tỉnh đã tổ chức chương trình kích cầu ngay trong nội tỉnh.
Nội tỉnh “cứu cánh”
Đơn cử như tỉnh Bình Định, tổ chức chương trình kích cầu du lịch “Người Bình Định đi du lịch Bình Định”. Các đơn vị du lịch, lữ hành của Bình Định xây dựng các gói kích cầu du lịch, giảm giá sâu từ 20-50% để du khách địa phương có cơ hội được sử dụng dịch vụ chất lượng với giá thành tốt nhất. Theo đó, FLC Quy Nhơn triển khai nhiều sản phẩm kích cầu du lịch, trong đó có combo “Nghỉ dưỡng 5 sao - An toàn 5K - Chi phí 0 đồng” dành riêng cho người dân Bình Định.
Nắm bắt xu hướng này, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Thanh Hóa đã và đang đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, đặc biệt là ưu tiên cho người dân địa phương với chủ đề "Người Thanh Hoá đi du lịch Thanh Hoá". Các cơ sở lưu trú ở khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, huyện Bá Thước cũng đang tích cực triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho khách nội tỉnh với mức giảm giá phòng lưu trú tiêu chuẩn lên tới 40%.
Tại Quảng Ninh, tỉnh đã triển khai các giải pháp đồng bộ để tập trung vào thị trường khách nội địa. Trong đó, các chính sách về miễn giảm phí tham quan Vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng, là “vốn mồi” để tái khởi động lại hoạt động dịch vụ, du lịch, hút khách đến các địa bàn khác trong toàn tỉnh.
Còn tại Đắk Lắk, Hiệp hội Du lịch tỉnh này kêu gọi cộng đồng làm du lịch gắn kết chặt chẽ với nhau - từ các đơn vị lữ hành (nội địa cũng như quốc tế), cơ sở lưu trú cho đến dịch vụ, nhà hàng mua sắm, giải trí… tiếp tục thực hiện chương trình kích cầu đã được thống nhất trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Định cho biết, các doanh nghiệp tham gia chương trình không đặt ra các mục tiêu vì lợi nhuận, mà mục đích là duy trì hoạt động để tạo công ăn việc làm, bảo đảm đời sống cho các nhân viên ngành du lịch.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Tùng Lâm (Quảng Ninh) cho rằng, nhờ những chính sách của tỉnh, các doanh nghiệp thêm tự tin để đầu tư, triển khai các dịch vụ du lịch mới. Đây cũng sẽ là cú huých để trước mắt kích thích phục hồi, khởi sắc lại du lịch nội tỉnh. Và khi điều kiện cho phép sẽ thu hút du khách nội địa đến với Quảng Ninh.
Thí điểm đón khách quốc tế
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ, đại dịch Covid-19 được xem như một cơn "sóng thần" càn quét ngành du lịch thế giới, khả năng và lộ trình hồi phục đến nay còn chưa thực sự rõ ràng. Do đó, chương trình kích cầu du lịch nội tỉnh là "cứu cánh" cho ngành du lịch trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Tiến tới sẽ xây dựng kế hoạch cho mở cửa đón du khách nội địa và quốc tế.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2020 là "năm tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành du lịch toàn cầu". Ngành du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, quá trình phục hồi du lịch quốc tế có thể bắt đầu từ quý III/2021. Hiện nay chiến dịch tiêm vắc xin đang được các nước khẩn trương triển khai, là cơ sở để kỳ vọng các hoạt động du lịch cả nội địa và quốc tế sẽ sớm bình thường trở lại.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã báo cáo các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và xin chủ trương đón khách du lịch Nga đến nghỉ dưỡng tại Phú Quốc theo mô hình “du lịch khép kín” và triển khai áp dụng thực hiện thí điểm hộ chiếu vắc xin.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng cục Du lịch cũng đang đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch. Song song với đó, Tổng cục Du lịch đang xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở cả thị trường trong nước và nước ngoài để đón đầu những cơ hội mới.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; nghiên cứu khả năng xây dựng “sàn giao dịch du lịch trực tuyến”, chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi phát triển du lịch.
Trở lại với câu chuyện hộ chiếu vắc xin, vừa qua, Bộ Chính trị đã có ý kiến kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, về lĩnh vực du lịch, Bộ Chính trị chỉ đạo “Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc - Kiên Giang”.
Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, việc mở cửa đón khách quốc tế là vấn đề quan trọng, trong đó cần ưu tiên cao nhất cho bảo đảm an toàn phòng chống dịch. "Cần thí điểm từng bước về thị trường khách, hình thức chuyến bay, lựa chọn các điểm đến, sản phẩm phù hợp, các doanh nghiệp dịch vụ đủ năng lực và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch", ông Khánh nói.