Thị phần "chia năm xẻ bảy", giới chủ trung tâm thương mại chạy đua nâng cấp


Cuộc đua mở rộng của hàng loạt trung tâm thương mại, đại siêu thị mới, đứng sau là những ông lớn có tiềm lực tài chính hùng mạnh, đang khiến thị trường mặt bằng bán lẻ bị “chia năm xẻ bảy”. Cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi giới chủ cần có chiến lược đường dài để tránh bị hụt hơi.

Thaco đang được đánh giá là một trong những đại gia hàng đầu tích cực nhất trong cuộc đua tranh giành thị phần mặt bằng bán lẻ, khi liên tiếp đưa vào vận hành các trung tâm thương mại và đại siêu thị tầm cỡ. Sau khi tung “bom tấn” Emart thứ 3 tại TP. Hồ Chí Minh, ông lớn này dự kiến tiến ra Hà Nội.

Cuộc đua khốc liệt

Cụ thể, công ty con của Thaco là Đại Quang Minh - phụ trách mảng bất động sản của tập đoàn, vừa được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án trung tâm thương mại trong Khu đô thị Tây Hồ Tây. Đây sẽ là đại siêu thị thứ 4 trong mục tiêu mở 10 đại siêu thị trên toàn quốc vào năm 2025.

Đáng chú ý, trong cùng khu vực Thaco dự kiến phát triển đại siêu thị tiếp theo, cũng đang có sự hiện diện của hàng loạt thế lực cạnh tranh như Takashimaya, Lotte... Trong đó, Takashimaya đã mua lại một lô đất từ chủ đầu tư năm 2019 và lên kế hoạch phát triển trong giai đoạn 2025-2027.

Trong khi đại siêu thị Lotte Mall West Lake Hanoi cũng mới được khai trương cuối tháng 9 vừa qua. Tổ hợp thương mại có tổng diện tích sàn lên tới 354.000 m2 bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ cao cấp và văn phòng hạng A.

Chỉ trong một khu vực dự án có tổng diện tích khoảng 190 ha đã có sự hiện diện của các tên tuổi hàng đầu cho thấy mức độ cạnh tranh của phân khúc mặt bằng bán lẻ, đặc biệt là trung tâm thương mại và đại siêu thị, đang gay gắt và khốc liệt như thế nào.

Không chỉ tại các khu vực trung tâm, các giới chủ mặt bằng trung tâm thương mại cũng đang đổ về các tỉnh vùng ven. Nổi bật có thể kể đến Central Group và Aeon Mall đang mở rộng mô hình mới tại các tỉnh thành ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong đó, Central Group tung ra thương hiệu nội thất mới tại Đồng Nai và Quảng Nam còn Aeon Mall khai trương mô hình "siêu thị linh hoạt" tại Bình Dương.

Trong năm 2024. Aeon Mall Huế dự kiến đưa vào hoạt động với diện tích sàn gần 138.000 m2, trở thành trung tâm thương mại đầu tiên của Aeon tại miền Trung.

Bà Trang Đỗ, chuyên gia cao cấp của Colliers (Việt Nam), nhận định “miếng bánh” thị phần mặt bằng bán lẻ vô cùng hấp dẫn nhưng cũng ngày càng khốc liệt hơn khi một số thương hiệu bán lẻ đến từ Nga, Mỹ, châu Âu cũng nôn nóng có mặt trên thị trường bán lẻ Việt Nam, với tiềm lực tài chính không kém cạnh gì các "tay chơi" đang hiện diện.

“Chúng tôi đã có dịp trao đổi với đại diện các thương hiệu này và họ rất quan tâm đến thị trường bán lẻ trong nước. Khó khăn lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài là tìm kiếm mặt bằng và đeo đuổi thủ tục pháp lý”, bà Trang cho hay.

Thay đổi hoặc “chết”

Chính sự cạnh tranh khốc liệt đang khiến giới chủ phát triển mặt bằng trung tâm thương mại liên tục phải đưa ra chiến lược cải tổ trong thời gian qua. Điển hình, tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza, mới đây đã khai thác trở lại sau thời gian đóng cửa sửa chữa và đổi chủ.

Ông Trần Lệ Nguyên - CEO KIDO, cho biết đã tiếp nhận lại mặt bằng mà Parkson thuê tại Hùng Vương Plaza và cải tạo lại theo mô hình như Vạn Hạnh Mall. Trung tâm mới này có lối ra vào từ 4 mặt tiền, thay vì hai cửa như trước. Giá thuê tại đây dự kiến vào khoảng 30 - 95 USD/m2/tháng.

Tại Hà Nội, hồi tháng 6, Indochina Plaza Hanoi cũng hoàn thành cải tạo và đổi tên thành The Loop Shopping Center do Takashimaya quản lý. Trong 2 năm, trung tâm này đã thiết kế lại cảnh quan, nội, ngoại thất, với xu hướng xanh hóa chủ đạo. Định vị thương hiệu cũng nhắm đến giới trẻ thay vì giới hạn cho cư dân như trước.

Đáng chú ý là hai dự án trên đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao sau giai đoạn cải tạo. Một số trung tâm thương mại lớn như Vivo City, Giga Mall và Vincom 3/2 cũng có kế hoạch cải tạo và thay đổi cơ cấu khách thuê trong năm 2024 để làm mới chu kỳ bán lẻ. Một số dự án cũ hơn cũng cân nhắc việc chuyển đổi mặt bằng cho thuê bán lẻ sang mục đích khác do cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Cần phải nhấn mạnh, mặt bằng bán lẻ vẫn đang là một trong những phân khúc tăng trưởng ổn định, có tiềm năng để đầu tư. Minh chứng, theo Cushman & Wakefield, trong quý III, giá thuê trung bình tại tầng trệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng lần lượt 10% và 7,3% theo năm, chủ yếu bởi nguồn cung mới và được cải tạo thời gian gần đây. Tỷ lệ lấp đầy tại Hà Nội đạt khoảng 85%, còn TP. Hồ Chí Minh là gần 90%.

Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều đơn vị đua tranh “miếng bánh” thị phần, các doanh nghiệp cả cũ lẫn mới cần có chiến lược phát triển tốt để có phần “ngon” hơn.

Theo chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang trên đà bứt phá, nhưng khách hàng ngày càng đòi hỏi dịch vụ tốt hơn. Vì vậy, để giành lợi thế trong một cuộc đua đầy khốc liệt, các thương hiệu cần một cuộc “cách mạng” về cả không gian mua sắm lẫn dịch vụ hậu mãi nhằm thuyết phục đa số khách hàng.

Theo Hưng Nguyên/vnbusiness.vn