Thị trường bán lẻ: Nên có hàng rào kỹ thuật
Cùng với sự tác động của một loạt các hiệp định thương mại vừa được ký kết, doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức các “đại gia” bán lẻ ngoại. Vì thế, các chuyên gia cho rằng chúng ta không thể "đóng cửa" thị trường, nhưng nên có hàng rào kỹ thuật, một việc mà các nước vẫn làm.
"Cuộc đấu" không cân sức
Cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại và hơn một triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình. Trong đó, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống.
Từ nay đến năm 2020, theo dự báo, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.
Hiện nay, ngoài cạnh tranh với thị trường truyền thống, sự tác động của một loạt các hiệp định thương mại…, thì sự lấn sân của khá nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ ngoại sẽ khiến DN bán lẻ nội gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn khẳng định tên tuổi và chiếm lĩnh thị phần.
Bài học từ Trung Nguyên là một ví dụ. Năm 2006, Trung Nguyên khai trương hệ thống cửa hàng bán lẻ G7 Mart với 500 cửa hàng và kỳ vọng sẽ lên 9.500 cửa hàng trên toàn quốc. Mục tiêu của hệ thống G7 Mart là hỗ trợ chiến lược phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội địa làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài.
Tuy nhiên, trái ngược với những kỳ vọng ban đầu, sau khi triển khai, hệ thống G7 Mart đã vấp phải nhiều khó khăn rồi “lặng lẽ biến mất” trên thị trường.
Tại buổi tọa đàm “Nâng cao sức cạnh tranh thị trường bán lẻ Việt Nam” của Cổng TTĐT Chính phủ diễn ra sáng 20/6, lý giải về sự “biến mất” này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hệ thống G7 Mart ko thành công một phần là do thị trường chưa chín muồi.
Sự khó khăn từ các nhà phân phối khiến hàng hóa tại cửa hàng thiếu đa dạng và giá thành cao. Thêm vào đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng chưa quen với việc phải mua sản phẩm giá cao hơn ngoài chợ khi hưởng sự tiện lợi từ chuỗi cửa hàng này.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) phân tích thêm, nhà bán lẻ ngoại mạnh hơn nhà bán lẻ Việt ở 3 điểm: Tiềm lực tài chính, huy động vốn với lãi suất thấp; kinh nghiệm quản lý nhờ lịch sử hình thành lâu đời; đã có sự nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng và sức mạnh trong liên kết (DN ngoại có sự liên kết toàn cầu, từ chuỗi cung ứng sản phẩm, đến tiêu thụ hàng hóa).
Tuy nhiên, ông Nhân cũng cho rằng, DN nội cũng có điểm mạnh với ưu thế “sân nhà”, người Việt sẽ hiểu thói quen, tập quán tiêu dùng của người Việt hơn, cách lựa chọn hàng hóa, phục vụ cũng phù hợp hơn.
Bà Loan cũng lạc quan cho biết, hiện DN Việt Nam cũng đang tạo ra các chuỗi liên kết với nhau như Saigon Co.op với Tổng Công ty Thương mại sài gòn; VinGroup với Vinatex, Ocean Mart tạo thành chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart xuất hiện ở mọi nơi… Tuy nhiên, bà Loan cũng nhấn mạnh “để thành công thì DN Việt còn phải nỗ lực và học hỏi DN nước ngoài nhiều hơn”.
Mở cửa, nhưng phải... có hàng rào?
Trước ý kiến của đại diện nhiều nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, khi liên doanh, đối tác nước ngoài luôn muốn nắm giữ 51% và mang thương hiệu của họ, điều này dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua các phương tiện truyền thông có nói về mua bán, sáp nhập của các DN như Metro, Big C với mối lo hàng ngoại tràn vào, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Ông Quyền cho rằng đây là mối lo chính đáng, nhưng phải nhìn nhận dưới góc độ khoa học và hội nhập: Quan điểm nhất quán là mở cửa để hội nhập. Chúng ta vừa ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với mục tiêu hội nhập sâu rộng với thế giới. Hàng hóa Việt Nam sang được nhiều nước thì hàng hóa của các nước bạn cũng sang Việt Nam. Vì vậy, mua bán, sáp nhập là chuyện bình thường.
Nhìn kỹ các vụ sáp nhập có thể thấy, Metro, Big C là DN nước ngoài này mua lại của DN nước ngoài; Aeon (Nhật) mua DN trong nước như Fivimart, Citimart nhưng dưới 49%; Saigon Co.op muốn kết hợp với nước ngoài nhưng vốn trên 69%... Chúng ta mở cửa, phát triển trong nước như thế nào để vẫn bảo đảm nhu cầu hội nhập là câu chuyện của cả nước, không phải riêng DN Việt”.
Ông Nguyễn Thành Nhân cũng cho rằng, chúng ta không thể đóng cửa, nhưng mở cửa phải có hàng rào kỹ thuật. Đó là việc mà các nước như Ấn Độ hay Malaysia đều làm.
Với Ấn Độ, DN nước ngoài muốn vào bán lẻ phải liên doanh với DN nội địa; tỷ lệ sở hữu của DN ngoại không vượt quá 51%, trong đó tổng doanh thu bán hàng phải bảo đảm có 30% là sản phẩm của DN nội địa nhỏ và vừa. Còn với Malaysia, tỷ lệ liên doanh của nhà bán lẻ nước ngoài là 70%, nhưng có rất nhiều ràng buộc.
“Chúng ta phải cân đối cả hàng hóa ngoại và thúc đẩy tiêu thụ nội địa để tạo động lực phát triển, giữ vững được sự ổn định thị trường. Bởi nhà bán lẻ nội địa là nơi tiêu thụ hàng hóa nội địa tốt nhất. Đây cũng là việc các nước đều làm”, ông Nhân nhấn mạnh.