Thị trường bảo hiểm châu Á năm 2013: Cơ hội tăng trưởng vượt bậc

PV.

(Tài chính) “Nguồn khách hàng dồi dào và sự đa dạng địa lýtại khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ mang tới cho các công ty bảo hiểm những cơ hội tăng trưởng vượt bậc…” – Là dự báo chung về triển vọng thị trường bảo hiểm năm 2013 được Ernst & Young đưa ra mới đây. Bên cạnh đó, Ernst & Young cũng đưa ra năm tác nhân thị trường sẽ ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của các công ty bảo hiểm tại khu vực châu Á Thái Bình Dương trong năm nay.

Năm 2013 đang mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các côngty bảo hiểm châu Á
Năm 2013 đang mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các côngty bảo hiểm châu Á

Theo Ernst & Young: Mặc dù kinh tế suy thoái, các quy định và chính sách tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nhiều thay đổi, ngành bảo hiểm vẫn có cơ hội phát triển ở những lĩnh vực như bảo hiểm cá nhân và quản lý tài sản, cũng như những sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu phức tạp của khách hàng về lập kế hoạch tài chính. Ông Paul Clark, Lãnh đạo dịch vụ Bảo hiểm khu vực châu Á – Thái Bình Dương của  Ersnt & Young chia sẻ: “Tầng lớp trung lưu đang ngày càng thịnh vượng là nguồn khách hàng tiềm năng chính đóng phí bảo hiểm và lợi nhuận bảo hiểm. Điều này còn phụ thuộc vào mức độ phát triển đa dạng của thị trường bảo hiểm trong khu vực bao gồm các thị trường đã phát triển, đang phát triển và các thị trường bảo hiểm mới nổi. Việc cân bằng yếu tố rủi ro với những quy định thận trọng, tập trung vào việc tăng cường bảo vệ khách hàng bảo hiểm và gia tăng tính minh bạch của sản phẩm bảo hiểm sẽ là mối quan tâm hàng đầu cho các công ty bảo hiểm trong năm 2013”.

Bên cạnh việc đưa ra các dự báo chung về thị trường bảo hiểm, Ersnt & Young đã xác định được năm tác nhân thị trường sẽ ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của các công ty bảo hiểm tại khu vực châu Á Thái Bình Dương trong năm 2013. Cụ thể:

Thứ nhất, những cơ hội tăng trưởng tốt nhất (bao gồm cả những lĩnh vực mới nổi như y tế và lương hưu): Các Công ty bảo hiểm trong nước cũng như quốc tế sẽ được hưởng lợi ích từ tiềm năng tăng trưởng phí bảo hiểm có hệ thống và tỉ lệ thâm nhập thị trường của ngành bảo hiểm đang tăng lên của khu vực. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các công ty bảo hiểm cần cân nhắc và thận trọng hơn nữa trong việc lựa chọn thị trường nào nên thâm nhập hay thoái vốn, kênh phân phối nào nên sử dụng và làm thế nào để giảm thiểu chi phí trong khi vẫn duy trì hiệu quả hoạt động. Các công ty bảo hiểm cũng cần bảo đảm rằng kế hoạch và chiến lược của mình phải phù hợp với những thị trường mục tiêu hướng tới và cần có sự đầu tư đầy đủ vào hệ thống hỗ trợ hoạt động nhằm đảm bảo sự thành công của hoạt động kinh doanh này. Sự xuất hiện ngày càng tăng của bảo hiểm y tế và chương trình hưu trí trong khu vực cũng cho thấy cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho các công ty bảo hiểm.

Thứ hai, sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường pháp lý: Các công ty bảo hiểm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều quy định cho ngành bảo hiểm bao gồm Luật Đảm Bảo Khả Năng Thanh Toán II (Solvency II), Tiêu chuẩn Vốn Chủ Sở Hữu Dựa Trên Rủi Ro (US risk-based capital standards), và việc chuẩn mực hóa hệ thống kế toán bảo hiểm theo Chuẩn Mực Lập Báo Cáo Tài Chính Quốc  Tế (IFRS). Đồng thời các nhà chính sách cũng đang tìm cách củng cố niềm tin của khách hàng trong ngành bảo hiểm. Trong bối cảnh phức tạp của các quy định, các công ty bảo hiểm trong năm 2013 cần phải quan tâm tới những thay đổi mang tính sâu rộng trong hoạt động và cơ cấu. Rất nhiều công ty đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn trong đó có việc tái cân bằng hệ sản phẩm dựa trên sự phân bổ nguồn vốn, xác định hoạt động kinh doanh và dòng sản phẩm nào cần gỡ bỏ, và chiến lược tái bảo hiểm nào là tối ưu, cân nhắc đến những thảm họa thiên nhiên trong thời gian gần đây.

Thứ ba, quản lý sự gia tăng của những rủi ro thảm họa trong khu vực: Các thảm họa tự nhiên như thảm họa kép động đất và sóng thần Tohoku, động đất ở New Zealand và trận lũ lụt lớn ở Thái Lan và Úc đang định hình lại cách nhìn của các công ty bảo hiểm về rủi ro và tái bảo hiểm. Mức độ nghiêm trọng và tần suất của những thảm họa vừa qua đang khiến cho các công ty bảo hiểm nhượng tái rủi ro nhiều hơn cho những đơn vị tái bảo hiểm. Thách thức cho nhiều thị trường tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khả năng thanh toán bảo hiểm, cũng do vậy chi phí tăng thêm cho tái bảo hiểm thường không phải là lựa chọn được cân nhắc. Những thảm họa gần đây đã cho thấy những chiều hướng mới của mô hình thảm họa và sự tương quan giữa những rủi ro.

Thứ tư, đầu tư vào công nghệ để có thể tăng trưởng, cải thiện hoạt động và quản lý rủi ro: Việc giới thiệu các sản phẩm phức tạp hơn, phân tích các số liệu, cùng với việc tuân thủ những quy định dựa trên rủi ro đang làm cho những hệ thống và quy trình cũ dần đến mức quá tải. Do đó, đầu tư vào công nghệ để tăng trưởng, cải thiện hoạt động và quản lý rủi ro là sự cần thiết mang tính chiến lược, đòi hỏi sự ưu tiên về chi phí và xác định lợi ích so với phí tổn. Đồng thời, môi trường pháp lý đang có nhiều thay đổi và chặt chẽ hơn sẽ là  một chất xúc tác để thay thế hệ thống IT rời rạc, lỗi thời, không được thiết kế nhằm đáp ứng những chiến lược đa tiền tệ và đa sản phẩm. Ngoài ra, những công ty bảo hiểm có hoạt động xuyên quốc gia phải đối mặt với những thách thức khác về việc bảo mật dữ liệu và tích hợp hệ thống hỗ trợ hoạt động khác nhau.

Thứ năm, sự cần thiết trong việc tìm ra các dịch vụ sáng tạo mới nhằm vào công nghệ di động: Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm một nửa dân số sử dụng di động của thế giới (2.9 tỉ thuê bao đang hoạt động trong năm 2010), điện thoại di động đã trở thành phong cách sống. Do vậy, để bắt kịp với những sản phẩm và dịch vụ phục vụ theo phong cách sống mới này, các công ty bảo hiểm phải có những kênh phân phối và chiến lược dịch vụ mới. Những kênh phân phối thay thế khác như cổng thông tin (Web Portals) đang được triển khai trên khắp khu vực nhằm bổ sung hoặc thay thế những đại lý truyền thống, mặc dù bancassurance (bảo hiểm liên kết ngân hàng) tiếp tục tăng trưởng. Khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Ernst & Young cho thấy rằng người tiêu dùng sẽ nghiên cứu sản phẩm và vận chuyển qua mạng trước khi quyết định mua sắm. Do công nghệ di động phát triển vững chắc tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, các công ty bảo hiểm cần tìm giải pháp để giữ thị phần và tạo dựng lợi thế cạnh tranh.