Thị trường bất động sản cần thời gian để “chữa bệnh”
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa thể chuyển sang trạng thái khởi sắc. Những khó khăn của thị trường chủ yếu vẫn là pháp lý, tín dụng và tổ chức thực hiện của các chủ thể tham gia thị trường. Để thị trường chuyển sang trạng thái “nhộn nhịp”, các chuyên gia khuyến nghị phải giải quyết được các vấn đề nội tại của thị trường.
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), thời gian qua, thị trường BĐS Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong gần 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Làm rõ khó khăn của thị trường BĐS, theo VNREA, có cả những khó khăn chủ quan và khách quan, trong đó nổi lên là vấn đề pháp lý, tín dụng và tổ chức thực hiện.
Trong bối cảnh khó khăn của thị trường, thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS trên toàn quốc trải qua trạng thái “mong manh” và từng bước tìm giải pháp để vượt qua khó khăn.
Phân tích cụ thể về khó khăn của thị trường, ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, không chỉ thị trường BĐS gặp khó khăn, mà nguồn nhân lực rời bỏ thị trường này ngày càng nhiều. Như tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng môi giới ở đã rời bỏ thị trường BĐS lên tới 50%.
“Theo thống kê, hiện nay, có khoảng 300.000 môi giới BĐS hoạt động trên thị trường, một phần lực lượng môi giới rời bỏ thị trường cũng chưa thành vấn đề lớn, nhưng vai trò của môi giới rất quan trọng. Hiện thanh khoản của thị trường rất thấp, vấn đề một phần là do không có nhiều sự tham gia của môi giới như trước đây. Nếu có dự án nhưng không có lực lượng môi giới thì cũng khó bán hàng”, ông Lâm nêu thực trạng.
Nêu khó khăn ở góc độ doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân cho rằng, thị trường BĐS vẫn đang “đói vốn”, khi dự án có đủ điều kiện pháp lý được vay, nhưng doanh nghiệp chưa được vay vốn, dẫn tới hết tiền nên dự án đang tạm dừng không triển khai được.
Làm rõ những khó khăn tổng thể của thị trường, ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA cho biết, hiện tại, thị trường BĐS vẫn tồn tại một số khó khăn. Về pháp lý, ông Khôi cho rằng, các tỉnh, thành phố cần phân nhóm khó khăn của các dự án dở dang để kiến nghị cấp có thẩm quyền địa phương đề xuất giải pháp với Tổ công tác của Chính phủ và Bộ Xây dựng giải quyết kịp thời các vướng mắc.
Một khó khăn khác tồn tại của thị trường BĐS là quy trình thủ tục hành chính, quy trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại tại địa phương còn mất nhiều thời gian. Để khắc phục tình trạng này, Lãnh đạo VNREA khuyến nghị, Bộ Xây dựng nên nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách cụ thể để hướng dẫn địa phương, các chủ đầu tư dự án theo quy trình thủ tục đầu tư rút gọn...
Để khôi phục niềm tin, thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, mỗi địa phương cần thành lập một tổ riêng để đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang “đắp chiếu”, còn vướng mắc.
Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục ban hành các văn bản chi tiết để làm cơ sở xử lý các vấn đề liên quan đến BĐS và có thể áp dụng ngay vào thực tế.
Đối với nhà ở xã hội, Lãnh đạo VARS khuyến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế đặc biệt, đủ sức hấp dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để cả doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận. Thực tế, đây là phân khúc BĐS đặc thù, không thể áp dụng các quy định, chính sách liên quan như các phân khúc BĐS khác.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những chính sách phù hợp với từng dự án, góp phần hỗ trợ giải quyết kịp thời các vấn đề về nguồn vốn, tín dụng cho doanh nghiệp BĐS và người mua BĐS, nhằm hạn chế tối đa hệ lụy phát sinh và khó khăn kéo dài...