Thị trường bất động sản đứng trước cơ hội lớn nhất trong 10 năm qua
Hàng loạt tín hiệu tích cực đang xuất hiện có thể tạo ra bước ngoặt lớn nhất cho thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong vòng một thập kỉ qua.
Chưa khi nào cơ hội tốt như hiện tại
Tại diễn đàn “Dự báo thị trường BĐS 2023” diễn ra ngày 23/12, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đã chỉ ra nhiều “luồng gió ấm” cho thị trường BĐS thời điểm hiện tại.
Trước hết, đó là việc tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 1164/CĐ-TTg nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành địa ốc. Ngoài ra, còn là hàng loạt công điện tới các cơ quan chức năng để xem xét các vấn đề đang nghẽn của thị trường như tín dụng, trái phiếu…
Đánh giá đây là những động thái vô cùng quan trọng giúp thị trường khởi sắc, theo ông Đính, thực tế thị trường BĐS đã xuất hiện những chỉ dấu tích cực. “Gần đây, chúng tôi nhận được nhiều điểm sáng. Nhiều dự án phù hợp với nhà đầu tư, người tiêu dùng được mở bán và hấp thụ tốt”, ông Đính nói.
Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, thị trường đang đứng trước cơ hội 10 năm mới có một lần khi nhiều Luật liên quan tới BĐS sắp được sửa đổi và thông qua.
Vị chuyên gia điểm lại, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai, tiếp sau đó là hàng loạt luật khác như Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp thị trường BĐS khởi sắc khi đang ở đáy năm 2012. Sau 10 năm, cơ hội lại đến khi năm 2023, Quốc hội cũng sẽ thảo luật và thông qua nhiều luật, đặc biệt là Luật Đất đai.
“Thị trường sẽ bước sang giai đoạn mới. Chưa lần nào chuyển tiếp mà thị trường xấu đi. Cơ hội sẽ đến trong từng phân mảng của thị trường”, ông Chung khẳng định.
Theo chuyên gia này, thị trường BĐS sẽ xuất hiện thêm luồng tiền lớn, nếu Luật Đất đai 2023 sửa đổi được Quốc hội thông qua, sẽ xử lí vấn đề khai thác hàng lang các công trình hạ tầng.
Tương tự là thị trường nhà ở và BĐS công nghiệp cũng sẽ tốt lên khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài coi Việt Nam là điểm đến dịch chuyển luồng vốn. Ngoài ra, khi du lịch phục hồi và tăng trưởng, BĐS nghỉ dưỡng cũng được hưởng lợi.
Từ thực tế hiện tại, ông Chung điểm danh nhiều dòng tiền đang có cơ hội đổ vào thị trường BĐS khi tín dụng đã được khơi thông, trái phiếu dần phục hồi. Ngoài ra còn là triển vọng về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kèm theo là lượng kiều hối ổn định, nguồn vốn từ các doanh nghiệp đầu tư BĐS đã vượt qua thời khó khăn...
Điểm sáng từ những khu đô thị tầm cỡ khu vực
Nhắc lại chu kỳ tăng trưởng 10 năm, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam thừa nhận, giá BĐS sau giai đoạn 2012 đã liên tục tăng trong gần một thập kỷ. Bước sang năm 2023, ngoài sự tháo gỡ của Chính phủ, điều đáng mừng là thị trường hiện đang xuất hiện những khu đô thị mới quy mô, bài bản, mang tầm cỡ khu vực.
“Ngày trước, chúng ta kéo người dân ra khỏi trung tâm rất khó nhưng một vài năm qua, các dự án ngoài vành đai 3 được đầu tư bài bản, đã thu hút nhu cầu ở thật của mọi người. Bằng chứng là các dự án quy mô lớn, hạ tầng tốt ra hàng tới đâu hết tới đó”, ông Thanh dẫn chứng.
Đồng quan điểm, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield cho rằng, sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và sẵn sàng của các doanh nghiệp là những điểm tích cực của thị trường BĐS hiện tại. Bà lấy ví dụ về khu vực phía Đông Hà Nội, nơi có những đại đô thị như Vinhomes Ocean Park. Đây là đô thị có quy mô lớn, cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội tốt, giúp kích thích nguồn cầu lớn.
Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tin vào tương lai của thị trường khi đã có hiệu ứng tâm lí tốt từ sự đồng lòng của doanh nghiệp và Chính phủ.
Tuy vậy, ông vẫn nhấn mạnh quan điểm tiếp cận thị trường BĐS cần theo hướng: “Phải có thái độ khác với lạm phát. Đừng quá sợ lạm phát”. Vị TS nhấn mạnh định nghĩa về ổn định kinh tế vĩ mô, không phải ở mức lạm phát bao nhiêu phần trăm mà là kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu.
Nhắc tới một vài lo lắng về việc bơm vốn ra thị trường sẽ tạo ra nợ xấu, ông Thiên khẳng định quan điểm ngược lại: “Bơm vốn để giảm nợ xấu”. Lý do là khi các dự án đang kẹt, thiếu tiền giải ngân, việc bơm vốn sẽ giúp giải tỏa nợ xấu.
Đánh giá cao những thay đổi trong cách tư duy và quản lí thời điểm hiện tại, vị chuyên gia bày tỏ tin tưởng về sự khởi sắc của thị trường trong năm 2023. Xa hơn, đó cũng chính là cơ sở để thị trường phát triển bền vững về dài hạn.