Thị trường bất động sản Hà Nội được báo Hồng Kông đánh giá cao
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông mới đây đã nhận định: "Việt Nam là thị trường mới nổi ưa thích của chúng tôi, bởi chỉ cách Hồng Kông một đường bay ngắn"...
Thủ đô Hà Nội của Việt Nam đã nổi lên thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài, bởi giá cả so với giá trị đang ở mức tốt dù thị trường giữ đà hồi phục kể từ sau đợt sụt giảm mạnh bắt đầu vào năm 2007 - tờ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông nhận định.
Trao đổi với SCMP, ông Kingston Lai, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Asia Banker’s Club, nói rằng giá căn hộ hạng sang ở Hà Nội giữ xu hướng tăng kể từ năm 2015, nhưng vẫn chưa đến mức đắt đỏ như ở các thành phố lớn và sôi động khác ở khu vực Đông Nam Á.
"Hiện nay, giá căn hộ chất lượng ở trung tâm Hà Nội, trung bình chỉ vào khoảng 191 USD/foot vuông (tương đương 2.053 USD/mét vuông), bằng một nửa mức giá ở Bangkok", ông Lai nhấn mạnh. "Giá nhà ở chất lượng cao tại Hà Nội rồi sẽ đuổi kịp giá nhà ở các thành phố khác trong khu vực, khi mà cơ sở hạ tầng như đường xá và sân bay dần hoàn thiện, cũng như ngày càng có nhiều công ty nước ngoài rót vốn vào Việt Nam".
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Hà Nội có thể đạt mức tăng 7,3% trong năm nay, nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất. Năm 2017, Hà Nội thu hút hơn 3,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
"Samsung và Microsoft đều đã mở nhà máy lớn gần Hà Nội, trong đó Samsung đóng góp 22,7% xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016", ông Lai nói. "Nhân viên của các hãng này là đối tượng khách hàng thuê nhà của các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài".
Ông Lai dẫn một nghiên cứu của công ty môi giới bất động sản CBRE và công ty quản lý quỹ đầu tư VinaCapital nói rằng lợi suất từ việc đầu tư nhà để cho thuê như vậy có thể đạt 7% mỗi năm.
Câu chuyện đầu tư vào Việt Nam đã thu hút nhiều công ty phát triển bất động sản quy mô lớn của nước ngoài, trong đó có Gamuda Land - công ty địa ốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Malaysia.
"Công ty chúng tôi đã đầu tư một khoản lớn để phát triển Gamuda City, một tổ hợp dự án lớn ở Hà Nội", ông Dennis Nga, Phó tổng giám đốc Gamuda, phát biểu. "Cũng giống như dự án Taikoo Shing của Hong Kong, Gamuda City thỏa mãn các nhu cầu về phong cách sống cho tầng lớp trung lưu đang gia tăng của Việt Nam".
Một nhà đầu tư, đồng thời là một nhà điều hành tại một ngân hàng đầu tư quốc tế đề nghị chỉ nêu họ Chan tiết lộ ông đã mua hơn 1 căn nhà ở Hà Nội.
"Hà Nội là thủ đô nên luôn có dư địa cho sự phát triển trong tương lai. Hà Nội hiện nay rất giống với Bắc Kinh trước kia, với nhiều công trình đang xây dựng. Chênh lệch giữa Hà Nội với Bắc Kinh sẽ sớm được rút ngắn", ông Chan nói. "Việt Nam là thị trường mới nổi ưa thích của chúng tôi, bởi chỉ cách Hồng Kông một đường bay ngắn".
Tuy nhiên, SCMP nói rằng nhu cầu cao đã dẫn tới những lo ngại về sự hình thành của một bong bóng bất động sản mới ở Hà Nội.
Ông Parikshat Chawla, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Leading Real Estate Companies of the World, nói rằng giá đất và chi phí xây dựng gia tăng là những nhân tố chính đẩy giá nhà ở Hà Nội tăng, bên cạnh điều kiện tín dụng nới lỏng. Cung tiền ở Việt Nam tăng 5,9% trong năm 2017, so với mức tăng 2,2% trong năm 2016, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.
Vào năm 2011, thị trường bất động sản Việt Nam giảm mạnh do lạm phát tăng, lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt. Từ năm 2007 đến cuối quý 1/2012, giá căn hộ cao cấp ở Việt Nam sụt 40%, trong khi giá căn hộ tầm trung giảm 30% - theo số liệu từ Colliers International.
Thị trường đã phục hồi từ cuối năm 2015 kể từ sau những quy định mới cho phép người nước ngoài và Việt kiều sở hữu, bán và chuyển nhượng bất động sản.