Thị trường bất động sản năm 2015: Kịch bản và động lực tăng trưởng!

PV.

(Tài chính) Lượng tồn kho giảm, lượng giao dịch thành công tăng, tốc độ cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang được đẩy nhanh hơn thời gian qua… đang trở thành những yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng cho thị trường bất động sản (BĐS) năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các động lực tăng trưởng khác hỗ trợ cho thị trường này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

3 kịch bản

Trong đánh giá mới đây về triển vọng thị trường BĐS năm 2015, TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đưa ra 3 kịch bản, cụ thể:

Kịch bản thứ nhất theo chiều hướng tốt nhất, thị trường BĐS Việt Nam sẽ tái phục hồi, các dự án đã hoàn thành được đưa vào vận hành, các dự án đang dở dang tiếp tục triển khai, các dự án tọa lạc tại vị trí tốt, đắc địa tái phục hồi, các giao dịch trên thị trường sẽ sôi động trở lại, một số sản phẩm mới được ra đời.

Kịch bản thứ 2 là kịch bản tiệm tiến ngoại suy, chỉ những dự án đã hoàn thành mới có giao dịch, một số ít doanh nghiệp chủ đạo trong thị trường tiếp tục triển khai các dự án tốt, một số ít dự án tái phục hồi hoạt động, các giao dịch trên thị trường trầm lắng, nếu có chỉ diễn ra tại những dự án đã hoàn thành, một số nhà đầu tư mới năng lực tốt sẽ xuất hiện trên thị trường.

Kịch bản thứ 3 là kịch bản xấu nhất, thị trường tiếp tục bị co hẹp, các giao dịch nếu có chỉ xảy ra ở những dự án đã hoàn thành, các doanh nghiệp tiếp tục thoái vốn khỏi thị trường, một số dự án lâm vào khó khăn và sẽ xuất hiện một số thế lực tài chính có mục tiêu thôn tính các dự án BĐS.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong cả 3 kịch bản trên thì kịch bản 2 dễ xảy ra nhất. Và trong trung hạn, thị trường BĐS có xu hướng tốt lên, đến quý II hoặc quý III/2015, thị trường sẽ đón nhận những xung lực mới từ những động năng Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nguồn kiều hối và vốn đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào thị trường nhờ tác động của các chính sách mới.

5 động lực

Hiện nay có không ít dự báo lạc quan về sự tăng trưởng của thị trường BĐS trong năm 2015. Có thể chỉ ra 5 động lực thúc đẩy thị trường này sôi động trong năm tới:

Ổn định kinh tế vĩ mô. Sang năm 2015, nền kinh tế dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhiều nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều khả năng mục tiêu GDP tăng trưởng 5,8% trong năm 2014 là có thể đạt được, cùng với đó Quốc hội đã đặt mục tiêu GDP năm 2015 là 6,2%. Đây là cơ sở tin tưởng vào nền kinh tế đã trên đà phục hồi và sẽ có tác động tốt đến thị trường BĐS đang phục hồi trở lại.

Kỳ vọng từ dòng kiều hối. Thống kê cho thấy, từ năm 1993-2014, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 96,66 tỷ USD, bình quân đạt khoảng 4,4 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 6,8% GDP trong thời gian tương ứng. Cũng như nhiều năm trước, kiều hối về Việt Nam thường chảy vào BĐS vì đây là kênh đầu tư có mức độ sinh lời khá hấp dẫn. Một số chuyên gia kinh tế dự báo, lượng kiều hối năm nay cũng sẽ tiếp tục đổ vào lĩnh vực BĐS là do thị trường này thời gian gần đây đã ấm dần lên. Theo đó, ngoài lượng kiều hối thân nhân nước ngoài gửi về cho người thân trong nước mua nhà để ở thì lượng kiều hối này cũng đã chảy vào các dự án BĐS với mục đích đầu tư.

Tác động tích cực từ gói tín dụng ưu đãi. Tính đến ngày 30/9/2014, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS đạt 293.160 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 11,8% so với thời điểm ngày 31/12/2013. Theo Ngân hàng Nhà nước, hệ số rủi ro trong cho vay chứng khoán, bất động sản hiện đã giảm từ mức 250% xuống còn 150%. Do vậy, không ít dự báo cho rằng, đây có thể coi là một cú hích mạnh lên thị trường khi các ngân hàng được mở rộng khả năng cấp tín dụng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, được biết, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành thông tư bổ sung hướng dẫn, cho phép tăng thời hạn và mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Theo đó, ngoài dự án nhà xã hội, mua nhà thương mại giá rẻ hay sửa chữa, xây nhà cũng được vay từ nguồn này.

Vốn FDI đổ vào BĐS. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2014, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với 32 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,27 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,02 tỷ USD, chiếm 5,9% tổng vốn đăng ký. Trong năm 2015, dự kiến nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam tăng lên và trong đó, BĐS trở thành lĩnh vực thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư ngoại.

Cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở trong nước. Từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở sửa đổi sẽ có hiệu lực, trong đó đối tượng mở rộng hơn, được sở hữu các loại hình nhà ở thay vì chỉ có chung cư trước đây; không giới hạn số lượng nhà có thể mua; được phép cho thuê lại, mua bán, cho tặng, thừa kế, thế chấp… Theo Công ty quản lý, tư vấn BĐS Savills Việt Nam, những quy định này sẽ tác động tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam. Việc nới lỏng điều kiện và cấp quyền sở hữu hợp pháp như người trong nước sẽ mở cửa cho một số lượng người mua nhà mới, tăng thêm tính thanh khoản cho thị trường, thu hút một kênh vốn mới nhiều tiềm năng. Tuy chưa tác động ngay lập tức nhưng sẽ giúp thị trường cải thiện theo hướng tích cực.