Thị trường bất động sản về đâu trước làn sóng Covid-19 thứ 4?
Với sức đề kháng được hình thành từ những lần bùng phát dịch bệnh trước, thị trường bất động sản được dự báo sẽ khả năng chống chọi tốt với làn sóng Covid-19 thứ 4.
Nỗi ám ảnh mang tên Covid-19 ngày càng rõ nét khi số lượng ca lây nhiễm trong những ngày cuối tháng 5/2021 tăng mạnh. Số ca mắc cộng đồng từ ngày 27/4 đến sáng 25/5 đã lên tới 2.406 ca và diễn ra tại 30 tỉnh thành. Con số lây nhiễm đựợc dự báo có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Kịch bản của nền kinh tế biến chuyển theo chiều hướng thiếu tươi sáng là điều hoàn toàn được đặt ra bởi thực tế mức độ lây nhiễm nhanh, khó kiểm soát của biến chủng biến thể virus SARS-CoV-2 của Ấn Độ đang tạo ra hệ luỵ khó lường.
Đánh giá về tác động của lần bùng phát Covid-19 thứ 4 đối với thị trường bất động sản, không ít các chuyên gia dự báo, kịch bản của ngành có giá trị vốn hoá cao sẽ chuyển động theo chiều hướng có thể thiếu tươi sáng.
Nhưng với nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư, biến cố này chỉ tạo ra sự “đóng băng” thị trường trong ngắn hạn. Giới đầu tư vẫn đều đang đợi chờ khi dịch được kiểm soát cơ bản, lượng giao dịch thành công sẽ tăng đột biến.
Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc của một doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội lạc quan cho rằng, thị trường bất động sản trong ngắn hạn sẽ có chuyển động mới. Nhìn vào giai đoạn trước, khi làn sóng Covid-19 ập đến và bùng nổ trở lại, tâm lý lo lắng, e ngại đều xuất hiện nhưng ngay đó, thị trường bất động sản lập tức sôi động mạnh mẽ hơn trước. Chưa kể, với việc trải qua 3 lần ảnh hưởng tái phát của Covid-19 đã khiến các chủ thể tham gia thị trường gia tăng sức “đề kháng”.
“Thế nên, các nhà đầu tư đều lạc quan về một kịch bản tốt trong thời gian tới. Còn phía doanh nghiệp, họ đang đợi chờ cơ hội để chuẩn bị bung hàng vào thời điểm ngay sau khi dịch được cơ bản kiểm soát”, ông Minh chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Apec Group cũng từng cho rằng, dù có vaccine, dịch bệnh không thể ngay lập tức chấm dứt, vẫn như đốm lửa nhỏ có thể bùng lên.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo APEC Group nhận định, đối với những doanh nghiệp có tiềm lực và nhà đầu tư trường vốn thì đây chính là cơ hội lớn. Thế nên, ở góc độ lạc quan, ông Huy nhấn mạnh, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư sinh lời tốt.
Cũng theo các chuyên gia, nhìn lại vào các chỉ số của thị trường bất động sản kể từ thời điểm Covid-19 bùng phát, “sức khoẻ” của ngành có giá trị vốn hoá cao không bị tác động quá mạnh từ dịch bệnh. Trái lại, ở các thời điểm ngay sau dịch được kiểm soát, lượng giao dịch lại diễn ra sôi động.
Báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản quý I/2021 cũng cho thấy, dẫu dịch bệnh, các chỉ số cơ bản của thị trường bất động sản như: Nguồn cung, lượng giao dịch, lượng vốn đầu tư, tín dụng, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn duy trì sự ổn định. Đây là cơ sở để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực khác đó là những tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho thị trường bất động sản phát triển.