Thị trường bất động sản Việt Nam: Vì sao nhiều rủi ro bủa vây?
Thị trường bất động sản Việt Nam dù được đánh giá là nhiều tiềm năng, giàu dư địa phát triển song theo một số chuyên gia, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro lớn.
Trong 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản trở thành lĩnh vực dẫn đầu trong thu hút vốn FDI. Con số này cũng liên tục gia tăng mạnh mẽ. Báo cáo mới đây nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong 4 tháng năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam gần 14,6 tỷ USD, trong đó thị trường bất động sản (BĐS) chiếm hơn 1,1 tỷ USD.
Lý giải về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng gia tăng, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đang ở trong ngưỡng tăng trưởng vàng, còn nhiều dư địa để phát triển. Chưa kể, với lượng dân số lớn, trên 90 triệu dân thì nhu cầu về bất động sản tại Việt Nam vẫn còn lớn. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận thấy cơ hội gia tăng tỷ suất lợi nhuận tại thị trường bất động sản Việt.
Mặc dù được đánh giá là “miếng bánh ngon” trong mắt các nhà đầu tư tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt vẫn còn đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Chia sẻ với báo chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay: “Tôi không dám đầu tư tại Việt Nam dù đây là thị trường giàu tiềm năng. Bởi bất động sản Việt có quá nhiều rủi ro”.
Phân tích điều này, TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra rằng, thứ nhất, bất động sản Việt Nam dễ gặp rủi ro từ cơ chế chính sách. Ông Hiếu nhấn mạnh, đây là một trong những rủi ro tác động mạnh nhất đến thị trường bất động sản Việt Nam. Một thị trường có thể dễ dàng bị “đóng băng” chỉ bởi quyết định hành chính của các cơ quan chức năng. Chưa kể, với hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, tính linh hoạt trong áp dụng và xử lý các văn bản quy phạm pháp luật dẫn tới tính bất ổn của thị trường bất động sản.
Thứ hai, nguồn vốn đầu tư đổ vào bất động sản còn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Khi rủi ro trên thị trường xảy ra có thể dẫn tới tới hiệu ứng đổ vỡ domino. Đặc biệt, nguy cơ bong bóng bất động sản sẽ xảy ra nếu nguồn lực đổ vào bất động sản quá lớn.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi mua bất động sản tại Mỹ, phía ngân hàng và bảo hiểm có trách nhiệm thẩm định kỹ lưỡng sản phẩm bất động sản để tránh rủi ro trong tranh chấp có thể xảy ra. Chính vì vậy, nhà đầu tư tại Mỹ hiếm khi gặp các vấn đề liên quan tới các rủi ro như chủ đầu tư lừa gạt hay các tranh chấp phát sinh từ chính dự án.
Liên quan đến nguy cơ rủi ro của thị trường bất động sản Việt Nam, tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội chiều ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân là do sự chưa đồng bộ của thể chế, mâu thuẫn giữa pháp luật bất động sản với pháp luật của các lĩnh vực khác.
"Để đảm bảo thị trưởng bất động sản phát triển lành mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước; đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa"- Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Theo vị lãnh đạo Bộ Xây dựng, cơ cấu sản phẩm của bất động sản chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường, chỉ phát triển một số phân khúc trung cao cấp, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Đặc biệt, nguồn vốn cho vay đang khan hiếm khiến 226 dự án thu nhập thấp còn chậm tiến độ.
Hiện nay, nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản cũng thấp, chủ yếu dùng vốn ngân hàng và tiền ứng trước của khách, tiền chủ đầu tư chỉ khoảng 15%. Có nhiều loại thuế được đánh giá là bất hợp lý, chưa khuyến khích, thu hút nguồn lực cho bất động sản và hạn chế tình trạng đầu cơ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, hiện có Nghị định của Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường nhà ở, nhưng thực tiễn thực hiện chậm, hệ thống thông tin chưa đồng bộ. Chưa kể, các địa phương cũng chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường bất động sản, phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: "Để đảm bảo thị trưởng bất động sản phát triển lành mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước; đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa".