Thị trường chứng khoán: Chờ tin từ cuộc họp của Fed

Theo Nguyễn Long/diendandoanhnghiep.vn

Không riêng Việt Nam, thị trường toàn cầu đều đang ngóng những hành động tiếp theo từ cuộc họp chính sách 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường tiếp tục biến động hẹp với nền thanh khoản thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phiên giao dịch ngày 15/12, thị trường tiếp tục biến động hẹp với nền thanh khoản thấp khi tâm lý nhà đầu tư chờ tín hiệu từ cuộc họp chính sách 2 ngày của Fed. Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm nhẹ dưới tham chiếu, HNX-Index giảm 0,22% trong khi UPCoM-Index cùng chiều giảm 0,33%. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 28.138 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên 15/12.

Chỉ số VN30-Index là chỉ số ngược chiều tăng 0,2% với 16 mã tăng và 12 mã giảm. Nhóm Ngân hàng ghi nhận diễn biến tích cực với TPB (+3%), HDB (+1,5%) cùng với MSN (+2,7%), NVL (+1,7%)… là các điểm sáng trong phiên hôm nay. Ngược lại, POW (-3%), VIC (-2,4%), SSI (-1,9%), GVR (-1%) ghi nhận mức điều chỉnh đáng chú ý.

Áp lực chốt lời ngắn hạn cũng xuất hiện ở các mã tăng mạnh gần đây như ITA (-6,9%), HNG (-5,4%) trong khi DIG (+4,6%), ROS (+6,9%), HAG (+1,7%) giữ nhịp tăng.

Theo CTCK MB (MBS), không riêng Việt Nam, thị trường toàn cầu đều đang ngóng những hành động tiếp theo của Fed trong cuộc họp chính sách kéo dài từ ngày 14-15/12 này. Bên cạnh đó, giới đầu tư lo ngại những biến động trong tuần đáo hạn phái sinh cũng như tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Do đó, việc chốt lời ở các cổ phiếu tăng mạnh xuất hiện trong phiên hôm nay là điều dễ hiểu. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index xuất hiện 2 cây nến có thân nhỏ cho thấy tâm lý của nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. “Trong trường hợp tích cực chỉ số tích luỹ hẹp với vùng hỗ trợ mạnh 1.460-1.465 điểm chỉ số sẽ có cơ hội tiến lên test vùng đỉnh cũ lịch sử (tương đương vùng 1.500-1.510 điểm)”, chuyên gia MBS nhận định.

Nhận định xu hướng thị trường trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang và các chỉ số có thể sẽ biến động hẹp ở phiên giao dịch kế tiếp, mức 1.468 điểm là mức hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số VN-Index. Đồng thời, dòng tiền ngắn hạn vẫn có dấu hiệu suy yếu và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, mặc dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiếu tích cực trong phiên 15/12/2021 nhưng dòng tiền vẫn ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại nhóm cổ phiếu này. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho thấy chiến lược phù hợp giai đoạn này là nắm giữ ở mức thấp.

“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 30-35% danh mục và dừng bán ở vùng giá hiện tại. Đồng thời, các vị thế mua mới chỉ nên dành tỷ trọng thấp dưới 5% nhằm thăm dò cơ hội ngắn hạn”, chuyên gia YSVN khuyến nghị.

Diễn biến chỉ số VN-Index (Ảnh: KBSV).
Diễn biến chỉ số VN-Index (Ảnh: KBSV).

Còn theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), chỉ số tiếp tục hình thành một mẫu nến spinning cùng thanh khoản có phần sụt giảm cho thấy tâm lý thận trọng của cả 2 bên mua bán. Diễn biến này để ngỏ khả năng mở rộng nhịp điều chỉnh lình xình trong phiên kế tiếp. Mặc dù vậy, với xu hướng tăng điểm đóng vai trò chủ đạo, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục sau đó vẫn được đánh giá cao với vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.450 điểm.

“Do thị trường đang điều chỉnh lình xình với diễn biến rất phân hóa giữa các mã cổ phiếu, nhà đầu tư được khuyến nghị linh hoạt mua tại hỗ trợ/bán tại kháng cự một phần vị thế trading đối với các cổ phiếu mục tiêu”, chuyên gia KBSV khuyến nghị.

Đối với phiên giảm điểm ngày 15/12, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, sau khi tăng điểm tích cực trong các phiên liền trước, phiên giảm điểm phần nhiều mang tính chất tích lũy nhằm ổn định lại mặt bằng giá mới. Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số vẫn đang nằm trên đường trung bình động 20 ngày (tương ứng vùng điểm 1.465 – 1.470 điểm), cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn.

Theo đó, khuyến nghị cho nhà đầu tư VCBS cho rằng, nhà đầu tư có thể tạm thời quan sát thêm một vài phiên tới để chờ đợi thị trường thử thách thành công ngưỡng 1.465 điểm trước khi xem xét giải ngân theo xu hướng mới nếu chỉ số chung tiếp tục bứt phá đi kèm tín hiệu thanh khoản có sự cải thiện, hoặc giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số chung bất ngờ rơi khỏi vùng điểm số này và lùi về ngưỡng hỗ trợ 1.450 hoặc thấp hơn.