Thị trường chứng khoán cuối năm lạc quan hơn

Theo ĐTCK

TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, TTCK sẽ tìm được sự cân bằng ngay cả khi Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 1/10 tới. Nhiều khả năng TTCK cuối năm sẽ "sáng" hơn, không phải vì quá phụ thuộc vào lời giải cuối cùng của Thông tư 13, mà bởi nhiều yếu tố quan trọng khác.

 

Nhiều NĐT đang kỳ vọng Thông tư 13/2010/TT-NHNN sẽ sớm được chỉnh sửa để khai thông dòng vốn vào TTCK.

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, TTCK sẽ tìm được sự cân bằng ngay cả khi Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 1/10 tới, với kịch bản không có chỉnh sửa đáng kể nào. Nhiều khả năng TTCK cuối năm sẽ "sáng" hơn, không phải vì quá phụ thuộc vào lời giải cuối cùng của Thông tư 13, mà bởi nhiều yếu tố quan trọng khác.

Tại sao ông cho rằng, dù Thông tư 13 được điều chỉnh theo bất cứ kịch bản nào thì cũng không quá tác động dến TTCK như nhiều NĐT lo ngại?

Không thể phủ nhận Thông tư 13 đã làm tâm lý nhiều NĐT bị đè nặng trong thời gian qua. Họ cho rằng, nó là thủ phạm làm nghẽn dòng tiền đổ vào thị trường. Thực tế, diễn biến của thị trường tiền tệ cho thấy, dòng tiền vào TTCK dè dặt chủ yếu do tâm lý của NĐT hơn là những yếu tố nội tại của thị trường tiền tệ, bởi bản thân thị trường không có gì bất thường kể từ đầu năm đến nay.

Nếu bình tĩnh nhìn nhận, Thông tư 13 dù được điều chỉnh theo kịch bản nào cũng sẽ không quá tác động đến TTCK, bởi 2 lý do.

Thứ nhất, đừng quên chính sách tiền tệ nếu có điều chỉnh sẽ luôn bám sát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong năm nay. Trong khi đó, với tốc động tăng trưởng tín dụng đạt 16,5% trong 8 tháng đầu năm, thì rõ ràng còn không ít dư địa cho tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, bởi tính ra, trung bình mỗi tháng còn được phép tăng hơn 2%.

Thứ hai, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay, thì khả năng siết tín dụng trong thời gian tới khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu tình hình lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, không loại trừ chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng ở mức hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng vượt kế hoạch. Đây mới là các yếu tố cơ bản tác động đến TTCK trong thời gian tới.

Như phân tích của ông thì chính sách tiền tệ trong thời gian còn lại của năm sẽ không quá đóng nhưng cũng không quá mở?

Nhiều khả năng sẽ diễn ra theo kịch bản như vậy. Muốn lái chính sách tiền tệ vận động theo hướng này, đòi hỏi cơ quan quản lý phải rất tinh tế, linh hoạt trong triển khai các biện pháp kỹ thuật ở các thời điểm khác nhau, để tăng cung tiền ở mức hợp lý cho nền kinh tế, nhưng đồng thời phải đảm bảo giảm thiểu các tác dụng phụ có thể gây rủi ro cho bất ổn kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, việc triển khai các biện pháp kỹ thuật mang tính ngắn hạn này phải tránh giật cục, không mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay, thì mới có tác dụng hỗ trợ cho TTCK.

Một định hướng chính sách tiền tệ thoáng hơn sẽ hỗ trợ TTCK ra sao?

Nếu chính sách tiền tệ có một định hướng rõ ràng như vậy sẽ hỗ trợ đáng kể TTCK, nhất là giúp cởi bỏ tâm lý e ngại siết tín dụng đang đè nặng đối với không ít NĐT khi Thông tư 13 sắp có hiệu lực. Đặc biệt, tín hiệu chính sách tiền tệ thoáng hơn sẽ giúp loại trừ nguy cơ "khát" vốn thường xảy ra vào cuối năm đối với nhiều DN.

Trong khi đó, cuối năm là mùa vụ làm ăn của đa số DN. Khi có được sự hỗ trợ tích cực của chính sách tiền tệ sẽ giúp họ đạt mức tăng trưởng khả quan trong quý IV. Đây chính là động lực rõ rệt và mạnh mẽ hỗ trợ giá cổ phiếu của các công ty niêm yết.

Đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua được giới chuyên môn nhận định là đã đi trước một bước nhằm hoá giải nguy cơ căng thẳng thường xảy ra trên thị trường ngoại hối cuối năm, cũng như hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, góp phần kiềm chế nhập siêu.

Bởi vậy, nhiều khả năng từ nay đến cuối năm, tình hình tỷ giá sẽ ổn định, USD dao động trong khoảng 19.500 - 19.600 đồng/usd. Nếu tỷ giá diễn biến theo chiều hướng này cũng sẽ hỗ trợ đáng kể TTCK.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là định hướng chính sách tiền tệ rõ rệt như vậy phải được thực thi bằng các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, tránh "tiền hậu bất nhất", để giúp khôi phục niềm tin của NĐT.

Ông có cho rằng, khi niềm tin của NĐT được khôi phục sẽ giúp TTCK có sự đột biến trong giai đoạn cuối năm?

Trên thực tế, một vài hành xử "bất thường” của cơ quan quản lý thời gian qua đã làm tổn thương đến niềm tin của NĐT. Đây chính là một trong những “điểm nghẽn” khiến dòng tiền chưa thực sự đi vào thị trường một cách ổn định.

Thực ra, dòng tiền đang trong tay NĐT hiện khá dồi dào, bởi vậy, khi họ lấy lại được niềm tin thì đã có thể tạo ra được sự hứng khởi đáng kể cho thị trường, chứ chưa cần dòng vốn được bổ sung từ chính sách tiền tệ nới lỏng. Điều này có nghĩa, điểm mấu chốt mà thị trường đang chờ đợi là NĐT sớm có được niềm tin để giải phóng dòng tiền vào thị trường.