Thị trường chứng khoán đang đứng trước con sóng thứ 3
Chuyên gia đánh giá, thị trường chứng khoán đang đứng trước con sóng thứ 3, kỳ vọng liên quan câu chuyện nâng hạng với dòng tiền từ tổ chức nước ngoài đổ vào sẽ kích hoạt tiền trong nước.
Thị trường dần vượt qua giai đoạn điều chỉnh
Đề cập tới các yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán, ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Phân tích, Maybank Investment Bank (MSVN) cho rằng, thanh khoản là yếu tố quan trọng hàng đầu.
“Thị trường, dù kinh tế chưa phục hồi mạnh hay có những lo ngại nhưng tiền đủ đổ mạnh vào thị trường nhờ những câu chuyện như nâng hạng thị thị trường vẫn lên”, ông Thành nêu.
Sau thanh khoản là giá thanh khoản. Hai câu chuyện ảnh hướng tới giá thanh khoản là lãi suất và tỷ giá. Yếu tố thứ ba mang tính ảnh hưởng trung dài hạn tới thị trường đó là chính sách. Nếu chính sách mang tính hỗ trợ hay thắt chặt tác động mạnh tới thị trường, thường gây chu kỳ đảo chiều mạnh. Yếu tố thứ tư là triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp.
Chuyên gia MSVN cho rằng, đứng trước một đợt điều chỉnh của thị trường, cần đánh giá chu kỳ điều chỉnh mang tính sự kiện hay chu kỳ cơ cấu. Bởi câu hỏi đúng và trả lời đúng sẽ xác định được thị trường điều chỉnh bao lâu, bao xa.
Ví dụ, giai đoạn thị trường điều chỉnh theo tính sự kiện như giai đoạn COVID-19, mức độ điều chỉnh vừa phải, giảm 10-15% với thời gian kéo dài từ 1-3 tháng.
Trong khi đó, điều chỉnh mang tính đi vào cơ cấu, đi vào chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát tăng, lãi suất tăng, áp lực tỷ giá sẽ đưa thị trường điều chỉnh mang tính chu kỳ, thường kéo dài từ 1 năm rưỡi tới 2 năm.
Ví dụ, giai đoạn năm 2022 kéo qua năm 2023, khi lãi suất bình ổn trở lại, dòng tiền chảy vào nền kinh tế thì thị trường mới có sự phục hồi.
“Chúng ta đang dần dần vượt qua khỏi giai đoạn điều chỉnh mang tính chu kỳ khi lãi suất giảm, thanh khoản tăng lên thể hiện tăng trưởng cung tiền, tăng trưởng tín dụng, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng trưởng trở lại. Những yếu tố tác động xung quanh về tỷ giá, chính sách điều hành luôn tác động cho sự phục hồi này. Hay lợi nhuận cũng là yếu tố nền tảng đang có sự phục hồi dần”, chuyên gia MSVN nhận định.
Kỳ vọng con sóng nâng hạng
Ông Quản Trọng Thành đánh giá, trong ngắn hạn 3 tháng tới thị trường vẫn trong tâm lý thận trọng vì có nhiều yếu tố biến động liên quan, như câu chuyện lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ. Tuy nhiên, nếu nhìn 6-9 tháng chúng ta có câu chuyện lớn tác động tới thanh khoản và giúp thị trường đi lên đó là nâng hạng thị trường.
“Nếu xử lý câu chuyện pre-funding tháo gỡ thì năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nâng lên mới nổi bởi FTSE”, chuyên gia này đề cập.
Nói tới khả năng thu hút vốn khi nâng hạng, chuyên gia MSVN cho rằng, ước tính tiền chảy vào thị trường từ 1,5 - 2,5 tỷ USD. Trong đó, dòng tiền từ các quỹ ETF thụ động sẽ rót khoảng 800 triệu USD tới 1 tỷ USD. Phần nửa còn lại sẽ là các quỹ chủ động, họ vào vốn chậm hơn. Họ sẽ cân nhắc đầu tư kỹ lưỡng hơn về đường hướng phát triển cho thị trường, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường…
Theo chuyên gia này, trong vòng 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam “đánh bại” tất cả các thị trường trong khu vực với mức sinh lời 196%. Thị trường đã trải qua 2 con sóng lớn, một là giai đoạn 2018 - 2019 với dòng tiền nóng từ Hàn Quốc chảy vào, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lớn. Con sóng thứ hai là giai đoạn COVID-19 với dòng tiền cá nhân trong nước gia tăng mạnh.
Theo ông Thành, đợt sóng thứ 3 kỳ vọng liên quan câu chuyện nâng hạng với dòng tiền từ tổ chức nước ngoài đổ vào sẽ kích hoạt tiền trong nước. Lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán còn thấp. Thời gian tới lượng nhà đầu tư cá nhân lẫn nhà đầu tư tổ chức tăng lên, có lượng tiền mới đi vào thị trường.
“Thanh khoản thị trường sẽ tăng lên nhờ hai chân là cá nhân lẫn tổ chức. Quan sát cho thấy, thị trường chứng khoán thường tăng tốt từ 6 tới 9 tháng trước khi chính thức nâng hạng. Chỉ cần lượng tiền từ các quỹ ngoại đổ vào sẽ tác động thanh khoản thay đổi, kích hoạt thị trường”, ông Thành chia sẻ.
Đề cập tới các cổ phiếu tiềm năng cho câu chuyện nâng hạng, chuyên gia MSVN đánh giá, đó là các cổ phiếu đáp ứng tiêu chí có định giá còn hấp dẫn so với chính bản thân cổ phiếu trong lịch sử, có câu chuyện tăng trưởng, chất lượng lợi nhuận tốt… Theo đó, chuyên gia nhắc tới các cổ phiếu đầu ngành như HPG, VNM, VCB, VHM, VIC, MSN.
Hai mảng được quan tâm là công nghệ, chăm sóc sức khoẻ. Với dân số 100 triệu người, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ đặc biệt cho người già đang tăng lên. Hiện tại thế giới lẫn Việt Nam, mảng công nghệ vẫn tập trung vào doanh nghiệp xây nền tảng như FPT, CTR, CMC. Làn sóng tiếp theo mà nhà đầu tư sẽ tìm đến liên quan chuyển đổi năng lượng. Xa hơn là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hoạt động kinh doanh, đưa tiềm năng tăng trưởng cao hơn như CTS, FRT…