Thị trường chứng khoán ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế (*)

Theo Tạp chí Chứng khoán

(Tài chính) Nhân dịp đầu Xuân năm mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dành cho phóng viên một cuộc phỏng vấn về một số nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính cũng như vai trò của thị trường chứng khoán (TTCK) trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), góp phần thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách và tăng trưởng kinh tế.

Thị trường chứng khoán ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế (*) - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính
 Đinh Tiến Dũng
Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính trong việc đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách là hết sức nặng nề. Nhưng cùng với việc bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành Tài chính đã giúp Ngành cán đích thành công các mục tiêu đề ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Góp phần vào thành công chung đó của ngành Tài chính là sự phục hồi và tăng trưởng của TTCK trong năm 2013.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế trong năm 2013, sự hồi phục của TTCK có ý nghĩa như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và sự phát triển của hệ thống tài chính nói riêng trong thời gian qua, thưa Bộ trưởng? 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đối với Việt Nam, TTCK mang đặc thù riêng, tức là chúng ta xây dựng và hình thành thể chế, hệ thống khung khổ pháp lý cho hoạt động của TTCK trước, sau đó mới đưa vào vận hành thị trường, trong khi nhiều quốc gia khác trên thế giới xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động của TTCK sau khi thị trường đã có thời gian dài hoạt động. Đến nay, sau 13 năm hoạt động, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của ngành Chứng khoán, sự chỉ đạo, quyết tâm cao của các cấp ngành từ Trung ương như Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), TTCK đã ngày càng chứng tỏ được vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tất nhiên, trong quá trình vận hành thị trường đôi lúc còn bộc lộ một số vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện, phải có chiến lược phát triển dài hạn, nhưng nhìn chung, có thể khẳng định Việt Nam đã xác định trúng và đúng hướng, TTCK bước đầu phát huy hiệu quả là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Đây là điều rất quan trọng. Tuy thị trường có thời điểm tăng trưởng mạnh mẽ và cũng có giai đoạn trầm lắng, nhưng chúng ta vẫn phải kiên trì định hướng đã đề ra, duy trì TTCK ngày càng là kênh huy động vốn quan trọng các nguồn vốn trong nước và ngoài nước, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, TTCK càng khẳng định rõ vai trò và vị thế của mình trong nền kinh tế.

Riêng trong năm 2013, mặc dù nền kinh tế trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, hàng tồn kho còn lớn, số lượng lớn doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc lỗ lũy kế còn nhiều. Tuy nhiên, nhờ các giải pháp kinh tế vĩ mô, đặc biệt các giải pháp trực tiếp đối với TTCK như nới tỷ lệ giao dịch ký quỹ, kéo dài thời gian giao dịch, kéo dài các giải pháp miễn giảm thuế, các giải pháp tái cấu trúc TTCK, thị trường đã có bước tăng trưởng rất khích lệ: giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 32% so với năm 2012, chỉ số chứng khoán VN Index tăng trên 23% so với năm 2012, là 1 trong 10 thị trường có mức hồi phục cao nhất thế giới, mức vốn hóa thị trường tính đến cuối năm 2013 vào khoảng 964.000 tỷ đồng, tăng 199.000 tỷ đồng so với cuối năm 2012 và tương đương 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Đặc biệt trong năm 2013, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng trưởng 90% so với năm ngoái, là nước có mức tăng trưởng cao nhất châu Á. Huy động vốn qua TTCK đạt trên 230.000 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2012, chiếm 22% tổng mức đầu tư xã hội. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đã có sự cải thiện: doanh thu lợi nhuận tăng trên 10%, chi phí tài chính giảm 12%. Công tác tái cấu trúc TTCK đã đạt nhiều tiến bộ trên cả 4 trụ cột: cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh và hệ thống thị trường.

Sự hồi phục của TTCK sẽ có tác động tích cực đến công tác huy động vốn, đóng góp trở lại cho hoạt động của các ngân hàng, công tác xử lý nợ và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DNNN, công tác CPH. Trong thời gian tới, nếu chúng ta tiếp tục quyết tâm cao như trong tình hình của năm 2013 thì tôi tin rằng TTCK sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển tốt hơn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững, phục vụ sự phát triển của đất nước. Với hàng trăm nghìn tỷ đồng huy động được qua TTCK mỗi năm, chắc chắn sẽ góp phần đắc lực vào sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, góp phần cân đối ngân sách, tăng trưởng kinh tế.

Được biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính năm 2014 là tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, CPH DNNN. Xin Bộ trưởng cho biết, quá trình này sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào để đạt được kết quả tốt nhất, góp phần cung cấp thêm nhiều hàng hóa có chất lượng cao cho TTCK?

Thực tế cho thấy, tiến trình sắp xếp, CPH DNNN và TTCK có mối quan hệ tương hỗ và tác động qua lại lẫn nhau. Khi tái cấu trúc DNNN được thực hiện triệt để và thành công sẽ góp phần thúc đẩy công tác tạo hàng cho TTCK. Nhiều DNNN lớn, tài chính lành mạnh, có uy tín, hoạt động hiệu quả được CPH và đưa vào niêm yết trên TTCK sẽ góp phần làm tăng cung hàng hóa có chất lượng cao cho TTCK, tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển.

Ngược lại, TTCK phát triển cũng góp phần quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, đặc biệt là tái cấu trúc hệ thống DNNN nói riêng và cụ thể là CPH, thoái vốn tại các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước lớn. Do đó, TTCK cũng phải hoạt động công bằng, hiệu quả để hỗ trợ trở lại cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Thông qua TTCK, Chính phủ huy động được lượng vốn lớn phục vụ cho đầu tư phát triển, cân đối ngân sách, đặc biệt từ nguồn TPCP; Doanh nghiệp cũng huy động được nguồn vốn lớn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này vừa góp phần giảm áp lực cho NSNN và hệ thống ngân hàng, giúp doanh nghiệp thay đổi “thói quen” từ việc chỉ nhăm nhăm huy động vốn từ các ngân hàng thương mại và ỷ lại vào nguồn tài trợ từ NSNN, chuyển sang chủ động huy động vốn qua TTCK, vừa phù hợp với nền kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập. 

Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cấu trúc các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN là một trọng tâm, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNN. Một trong những nội dung cốt lõi của quá trình tái cấu trúc DNNN là vấn đề CPH và đa dạng hóa sở hữu các DNNN. Đây là vấn đề rất lớn và chúng ta đã xác định đúng hướng.

Để niêm yết trên TTCK, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về tính công khai, minh bạch và gắn với quản trị công ty tốt. Đây là vấn đề rất hệ trọng đối với các nhà đầu tư trong nước và đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế. Đối với các DNNN đã CPH và niêm yết trên TTCK, chúng ta có thể kiểm soát được tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá trình CPH và thoái vốn tại các tập đoàn, Tổng công ty và DNNN lớn, có thể nhận thấy vẫn còn số lượng lớn công ty cổ phần chưa tham gia niêm yết cổ phiếu trên TTCK, nên rất khó kiểm soát. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh tiến trình CPH và thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện tái cơ cấu DNNN. Chúng tôi coi đây là khâu then chốt trong tiến trình cải cách quản lý tài chính DNNN.

Theo đó, Bộ Tài chính giao các đơn vị chức năng phối hợp, thúc đẩy việc triển khai các đề án CPH của các Bộ, ngành, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để buộc các doanh nghiệp sau khi đã phát hành lần đầu ra công chúng, kể cả DNNN đã CPH đủ điều kiện, phải niêm yết cổ phiếu trên TTCK theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch cho hệ thống doanh nghiệp, TTCK và nền kinh tế.

Thưa Bộ trưởng, trong năm 2014, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp, chính sách như thế nào để tiếp tục hỗ trợ TTCK hồi phục và phát triển?

Mặc dù tăng trưởng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì được cao, nhưng không đạt như mong muốn; lãi suất và lạm phát giảm, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng vẫn rất khó khăn; hàng tồn kho nhiều, nợ đọng tín dụng ngân hàng, bất động sản... tác động không nhỏ đến TTCK. Tuy nhiên, kết thúc năm 2013, tôi thấy TTCK có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2012. Đây là bước tạo đà để TTCK bứt phá tốt hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Xác định TTCK là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tài chính, trong thời gian tới, bên cạnh việc chủ động trong điều hành, quản lý thị trường của UBCKNN, sự nỗ lực, quyết tâm của ngành Chứng khoán, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường.

Một là, trong năm 2014, Bộ Tài chính tập trung xây dựng các đề án, cơ chế chính sách trọng tâm năm 2014, đồng thời chủ động rà soát, tham mưu chương trình xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tế của nền kinh tế. Theo đó, Bộ sẽ chỉ đạo UBCKNN trong việc hoàn thiện các đề án, chiến lược phát triển TTCK; Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm, Đề án TTCK phái sinh, Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Quyết định về tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên TTCK Việt Nam thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg... đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là những đề án quan trọng có tác động trực tiếp đến tổ chức hoạt động và phát triển của thị trường.

Về lâu dài, UBCKNN cần rà soát, đánh giá lại hệ thống văn bản pháp luật, có kế hoạch hoàn thiện nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển TTCK, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, hỗ trợ CPH DNNN, thực hiện các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tới đây là cam kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hai là, đẩy mạnh tiến trình CPH và thoái vốn tại các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN theo Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để góp phần tạo nguồn hàng hóa có chất lượng cao cho TTCK. Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện CPH, đồng thời tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh CPH các DNNN. Như đã nói ở trên, Bộ Tài chính xác định đây là khâu then chốt trong tiến trình cải cách quản lý tài chính DNNN, cần có các giải pháp quyết liệt, đột phá trong lĩnh vực này. Tạo ra sự gắn kết giữa công tác CPH và niêm yết trên TTCK. Cương quyết xử lý các doanh nghiệp CPH trì hoãn niêm yết theo tinh thần Luật Chứng khoán.

Ba là, tạo cơ chế chính sách khuyến khích thu hút nguồn vốn ĐTNN vào Việt Nam, trong đó có việc mở rộng sự tham gia của các nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam theo cam kết quốc tế và tiến trình hội nhập. Hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và đang có những giải trình cuối cùng về đề án nâng tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN tại các doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề không có điều kiện ở Việt Nam. Cơ chế này nếu được ban hành sẽ có hiệu ứng “kép”, không chỉ thu hút sự tham gia của nhà ĐTNN đầu tư vào thị trường Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy TTCK, thúc đẩy công tác CPH và thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK theo tinh thần Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP, bảo đảm trật tự, công bằng và minh bạch của TTCK, tăng cường sự phối hợp trong công tác giám sát giữa UBCKNN, Cục Giám sát bảo hiểm, cơ quan giám sát ngân hàng, các cơ quan công an trên cơ sở các thông tư đã ký kết.

Năm là, tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường hiện đại hóa, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của ngành Tài chính. Bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến ngày một phức tạp, khó lường, thị trường tài chính, TTCK trong nước cũng ngày càng phát triển nên tính chất phức tạp càng cao hơn và có sự liên thông với các thị trường khác như hệ thống ngân hàng, đòi hỏi Bộ Tài chính, UBCKNN tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiện đại hóa và đầu tư hệ thống công nghệ, đồng thời nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý, điều hành. Song song với đó là tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát đối với các thị trường, đảm bảo các thị trường hoạt động lành mạnh, ổn định và minh bạch.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính, đồng thời tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động của Ngành cũng như văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách Tài chính mới. Trong thời gian tới, UBCKNN cần phối hợp với các đơn vị trong Bộ đẩy mạnh hơn nữa, sâu rộng hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và TTCK đến công chúng đầu tư. Ý tôi muốn nói là cần phải khơi dậy nguồn lực xã hội mà trước hết là các nguồn lực trong nước cho sự phát triển của TTCK.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính như mở rộng hợp tác với các thị trường vốn trong khu vực và trên thế giới, tiếp thu kinh nghiệm để vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam cho phù hợp.

Có thể nói, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính hết sức quan tâm đến sự phát triển của TTCK và coi đây là giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cải cách nền kinh tế. Một khi nền kinh tế phát triển, yếu tố vĩ mô ổn định sẽ tạo điều kiện cho TTCK phát triển. Vì vậy, mong rằng bên cạnh việc bám sát các chỉ đạo, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN cần chủ động hơn nữa nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(*) Tít bài do FinancePlus.vn đặt.