Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2025 mở ra nhiều cơ hội đầu tư
Sau nửa đầu năm 2025 đầy biến động bởi làn sóng bất ổn từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ và căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn hồi phục mạnh mẽ.

Hồi phục nhờ nội lực và cải cách
Diễn biến đáng chú ý nhất trong giai đoạn đầu quý III năm 2025 là việc VN-Index vượt mốc 1.340 điểm – vùng cản quan trọng từng bị thách thức bởi thông tin tiêu cực về thuế quan. Sự hồi phục không đơn thuần nhờ yếu tố kỹ thuật mà còn đến từ nội lực kinh tế được củng cố bằng các cải cách thể chế sâu rộng.
Thông tin tại Hội thảo “Triển vọng thị trường chứng khoán 2025: Định hình chu kỳ tăng giá mới từ nội lực kinh tế” do Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức ngày 17/7, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Giám đốc viện đào tạo, nghiên cứu BIDV nhận định, tăng trưởng GDP đạt 7,52% trong nửa đầu năm là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi theo hướng đồng đều, có chiều sâu, và được dẫn dắt bởi các cải cách chiến lược như tinh gọn bộ máy, đổi mới thể chế và kích thích tiêu dùng.
Dựa trên nền tảng này, dự báo cả năm 2025, tăng trưởng GDP kỳ vọng đạt 7,5% - 7,7%, và 9% - 10% trong năm 2026, những mức tăng trưởng trưởng ấn tượng không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Đáng chú ý, lạm phát và tỷ giá được đánh giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tạo thêm vùng đệm ổn định cho thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, nền kinh tế vẫn còn những rủi ro hiện hữu như: xung đột địa chính trị, đầu tư tư nhân và tiêu dùng còn thấp, đầu tư công giải ngân chưa đồng đều, rủi ro thị trường trái phiếu, chiến tranh thương mại, và đặc biệt về vấn đề thuế đối ứng từ Mỹ. TS Cấn Văn Lực cho rằng xuất khẩu có thể giảm và thu hút FDI có thể chịu ảnh hưởng, xuất hiện cạnh tranh hàng hóa từ các nước khác xuất khẩu sang Việt Nam,…
Do đó để giảm thiểu tác động của chính sách thuế đối ứng từ Mỹ lên Việt Nam cần nhiều giải pháp bao gồm tăng cường đối thoại, đàm phán, thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ, giải quyết các vướng mắc mà Mỹ quan tâm, sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại với Mỹ đồng thời tạo ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng chịu tác động.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cơ cấu lại nền kinh tế, tăng nội lực, tự lực tự cường, tập trung vào các động lực tăng trưởng khác như đầu tư, tiêu dùng và tìm ra các động lực tăng trưởng mới như xuất khẩu dịch vụ. Đối với doanh nghiệp như chuyển đổi xanh và số hóa, đa dạng hóa thị trường, đối tác, nâng cao năng lực cạnh tranh và nội lực để có thể tận dụng tốt cơ hội trong thách thức.
Hướng đến nâng hạng, tạo lực đẩy bền vững
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích VFS, thị trường chứng khoán đang bước vào một “megatrend” mới, được thúc đẩy bởi dòng tiền mạnh mẽ và tâm lý lạc quan từ nhà đầu tư. Diễn biến của nửa đầu năm cho thấy sự phục hồi của VN-Index không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn phản ánh kỳ vọng dài hạn về cải cách và triển vọng kinh tế.

“Thị trường đang có quán tính rất giống giai đoạn tăng trưởng mạnh 2021–2022. Với kỳ vọng tăng trưởng GDP vững vàng và môi trường tiền tệ thuận lợi, VN-Index có thể hướng đến vùng 1.600 điểm trong nửa cuối năm. Đồng thời dự phóng mức P/E kỳ vọng có thể tăng từ 13 lên 15 lần”, ông Hoàng nhận định.
Một trong những nhóm ngành được chú ý là bất động sản vốn đang hưởng lợi kép từ dòng tiền và chính sách. Các cổ phiếu bất động sản hiện vẫn có mức định giá hấp dẫn, trong khi thị trường địa ốc đang khởi sắc trở lại.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Khu vực miền Nam Batdongsan.com.vn cho rằng, thị trường bất động sản đã bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới. Sau giai đoạn trầm lắng vì bất ổn kinh tế, chính trị, lượng tìm kiếm bất động sản trong nửa đầu năm đã hồi phục rõ rệt.
Một điểm sáng dài hạn khác đến từ lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán. Theo các chuyên gia, để tận dụng tối đa cơ hội trong giai đoạn mới, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện thể chế, pháp lý, nâng cao năng lực quản lý và minh bạch hóa thị trường.
Việc nâng hạng không chỉ giúp thu hút dòng vốn ngoại mà còn mở ra kênh dẫn vốn hiệu quả hơn cho nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa còn dè dặt.
Ông Tuấn kỳ vọng nguồn cầu từ các tỉnh phía Bắc đổ về miền Nam sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi, tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản, qua đó gián tiếp thúc đẩy nhóm cổ phiếu địa ốc trên sàn chứng khoán.