Thị trường chứng khoán trong giai đoạn chuyển mình : Từ chỉ báo kinh tế đến động lực tăng trưởng dài hạn
Thị trường chứng khoán (TTCK) không còn đơn thuần là chỉ báo phản ánh kỳ vọng kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bước vào một chu kỳ phát triển mới với các cải cách thể chế mạnh mẽ, ổn định vĩ mô được củng cố và niềm tin dần được tái thiết, chứng khoán đang chuyển vai – từ quan sát sang hành động, từ dự báo sang kiến tạo. Đây không còn là kênh đầu cơ ngắn hạn, mà phải trở thành nền tảng tài chính vững chắc cho chiến lược tăng trưởng dài hạn và bền vững của quốc gia.
TTCK phải trở thành nơi phản ánh năng lực vận hành của nền kinh tế
Hiện tại, quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam dao động quanh mức 50% GDP. Trong khi đó, mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2030 là đạt 100–120% GDP. Đây không chỉ là một con số tham vọng, mà là một chiến lược cấu trúc lại thị trường tài chính: giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng – vốn có tính chu kỳ và ngắn hạn – để mở rộng các kênh dẫn vốn trung và dài hạn. Song song, thị trường trái phiếu doanh nghiệp – hiện chỉ chiếm khoảng 11% GDP – cũng được định hướng phát triển lên mức 20% GDP.
Một hệ thống thị trường vốn cân bằng giữa cổ phiếu, trái phiếu và tín dụng sẽ là điều kiện thiết yếu để kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, tự chủ và thích ứng tốt hơn với biến động bên ngoài. Việc phát triển thị trường tài chính không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn mà còn là một cấu phần quan trọng của thể chế kinh tế thị trường hiện đại.
Tại sự kiện Investor Day 2025, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital nhấn mạnh: “Nếu Việt Nam thực sự muốn bước vào chu kỳ tăng trưởng đột phá, thì chứng khoán phải trở thành nền tảng huy động vốn dài hạn và phản ánh năng lực vận hành của cả nền kinh tế.” Theo ông, quy mô hiện tại chưa phản ánh đúng vai trò kỳ vọng, và để đạt vốn hóa gấp đôi, điều tiên quyết là nâng chất lượng doanh nghiệp niêm yết và cải thiện độ sâu thị trường.
Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đã vượt qua ngưỡng trung bình thu nhập bằng cách đẩy mạnh tài chính hóa nền kinh tế – trong đó chứng khoán giữ vai trò chủ đạo trong huy động vốn và điều tiết đầu tư. Việt Nam, nếu kiên định cải cách và giữ vững ổn định vĩ mô, hoàn toàn có thể đi theo con đường này.

Không có niềm tin thì không có dòng vốn dài hạn: bài toán cải cách hành vi thị trường
Trong giai đoạn 2018–2023, TTCK Việt Nam chứng kiến dòng vốn ngoại rút ròng gần 10 tỷ USD. Những biến động từ dịch bệnh, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện và tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, từ đầu năm 2025, dòng tiền đang có dấu hiệu đảo chiều.
Theo ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn – Giám đốc Nghiệp vụ cấp cao mảng chứng khoán Dragon Capital, dòng vốn tổ chức đang quay lại thị trường Việt Nam nhờ ba yếu tố then chốt: tăng trưởng GDP cao (có thể đạt hai chữ số), định giá thị trường ở mức hấp dẫn (P/E ~11,6 lần) và định hướng điều hành vĩ mô ổn định, cải cách thể chế kiên định.
Cùng góc nhìn, bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Khối Nghiên cứu Dragon Capital cảnh báo rằng: “Dòng vốn dài hạn sẽ không tìm đến nếu thiếu sự ổn định pháp lý và niềm tin vào cơ chế bảo vệ nhà đầu tư. Để dòng tiền bền vững quay trở lại, cần có sự đồng hành từ thể chế, doanh nghiệp và chính nhà đầu tư nội.”
Theo dự báo, nếu GDP tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2025–2030, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng bình quân 25–30%/năm. Đây sẽ là nền tảng để chỉ số thị trường tăng trưởng 2–5 lần. Tuy nhiên, các chuyên gia Dragon Capital đều nhất trí rằng tăng trưởng chỉ bền vững nếu đến từ nội lực doanh nghiệp, quản trị minh bạch và cơ chế thị trường lành mạnh.
Một tín hiệu tích cực là làn sóng IPO đang dần hình thành. Ông Nguyễn Sang Lộc – Giám đốc Nghiệp vụ Quản lý danh mục Dragon Capital cho biết, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ, hạ tầng và tài chính đang lên kế hoạch niêm yết từ năm 2025. Theo ông, “niêm yết không chỉ là cách huy động vốn, mà còn là áp lực tích cực buộc doanh nghiệp phải chuyển hóa về quản trị, minh bạch và tư duy phát triển quốc tế hóa.”
Từ nâng hạng thị trường đến nâng chuẩn quốc gia: khi TTCK trở thành thể chế phát triển
TTCK Việt Nam cần được định vị lại – không chỉ là công cụ tài chính, mà là một phần cấu thành của thể chế kinh tế. Cùng với chính sách tài khóa và tín dụng, chứng khoán sẽ là trụ cột thứ ba trong việc xây dựng mô hình tăng trưởng tự chủ, hiện đại hóa và hội nhập.
Hai mục tiêu có ý nghĩa chiến lược đang được đặt ra: một là nâng hạng TTCK từ "cận biên" lên "mới nổi" theo tiêu chí MSCI và FTSE; hai là nâng tín nhiệm quốc gia lên mức "Investment Grade" theo chuẩn của S&P, Moody’s và Fitch. Khi đạt được hai điều này, Việt Nam có thể mở rộng cửa thu hút dòng vốn tổ chức toàn cầu – cả thụ động lẫn chủ động – với quy mô ước tính từ 10–20 tỷ USD chỉ riêng trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, như bà Minh nhấn mạnh: “Đừng nhầm lẫn giữa kỹ thuật và thực chất. Nâng hạng không thể đạt được bằng cách 'trang điểm chính sách' mà cần có nền tảng pháp lý vững chắc và hành vi thị trường chuyên nghiệp.” Điều này đồng nghĩa với việc cải cách cần đi vào cốt lõi, từ luật lệ, chuẩn mực kế toán, công bố thông tin, đến cơ chế xử lý xung đột lợi ích.
Về phía thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Diệp Quốc Khang – Giám đốc Nghiệp vụ cấp cao mảng trái phiếu Dragon Capital cảnh báo rằng, nếu không quản lý được rủi ro và minh bạch hóa dòng vốn, thị trường này sẽ trở thành điểm yếu thay vì hỗ trợ. “Không thể để khoảng trống giữa vốn ngắn hạn và vốn chủ sở hữu làm đứt gãy hệ sinh thái tài chính,” ông nói.
Trong dài hạn, TTCK cần được thiết kế như công cụ phân bổ vốn thông minh, là bộ lọc chọn lọc doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thật sự, và thúc đẩy chuyển đổi số trong giám sát thị trường.
TTCK Việt Nam đang bước vào một chu kỳ mới – nơi kỳ vọng, thể chế và dòng vốn gặp nhau. Với định hướng rõ ràng từ Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ từ doanh nghiệp và nhà đầu tư tổ chức, cùng những chuyển động cải cách thực chất, chứng khoán không còn là phần phụ của nền kinh tế mà trở thành động lực trung tâm. Nếu làm đúng, TTCK sẽ không chỉ là nơi niêm yết – mà sẽ là nơi khơi mở, kiến tạo và bảo vệ giá trị của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới
