Thị trường chứng khoán thế giới được dự báo sẽ còn nhiều đợt bán tháo mạnh trong năm tới

Theo Ngọc Trâm/nhadautu.vn

Làn sóng bán tháo cổ phiếu mới nhất trên thị trường chứng khoán thế giới vừa qua là tín hiệu rõ ràng cho những gì sẽ diễn ra tới đây, định chế tài chính quốc tế lâu đời nhất thế giới nhận định.

Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể gây ra làn sóng bán tháo mạnh cổ phiếu trong những tháng tới. Nguồn: internet
Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể gây ra làn sóng bán tháo mạnh cổ phiếu trong những tháng tới. Nguồn: internet

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), hôm Chủ nhật vừa rồi cảnh báo việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể gây ra làn sóng bán tháo mạnh cổ phiếu trong những tháng tới.

“Những căng thẳng trên thị trường mà chúng tôi quan sát được trong quý này không phải là một sự kiện riêng biệt”, ông Claudio Boria, Giám đốc Bộ phận Kinh tế và Tiền tệ của BIS nhận định.

Ông Borio cho biết thêm: “Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ đang gây ra những thách thức, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại và những bất ổn về chính trị”.

Dòng vốn tìm chốn an toàn

Báo cáo của BIS được đưa ra tại thời điểm mà thị trường chứng khoán toàn cầu đang chịu một sức ép mới gây ra bởi những tác nhân khác nhau, từ xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cho tới những quan ngại ngày càng gia tăng về khả năng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới trong những tháng tới.

BIS nhấn mạnh việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tuần tới, là thách thức lớn đối với thị trường cổ phiếu  

“Thị trường tài chính đã tiếp tục điều chỉnh mạnh trong quý vừa qua khi các ngân hàng trung ương lớn quay trở lại với chính sách tiền tệ bình thường”, báo cáo của BIS viết.  

Bình thường hóa chính sách tiền tệ là một nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm giảm qui mô của bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất tham chiếu để đưa chính sách tiền tệ quay trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Tất cả những yếu tố bất lợi mà BIS đề cập nói trên có thể sẽ còn kéo dài ít nhất là sang quý 1 năm tới. Điều này sẽ gây bất lợi cho thị trường chứng khoán toàn cầu.    

Lãi suất

Chi phí tài chính gia tăng sẽ làm kinh tế tăng trưởng chậm lại và ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tuần tới.

Fed cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019, mặc dù các nhà quan sát nhận định rằng số lần tăng lãi suất có thể ít hơn do những dự báo không mấy sáng sủa về triển vọng kinh tế Mỹ trong năm tới.

Hồi thứ Sáu tuần trước Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ chính thức chấm dứt chương trình mua trái phiếu có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ euro vào cuối tháng này. Với động thái này, ECB đã đưa chính sách tiền tệ của các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu trở lại trạng thái bình thường sau 4 năm áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng.

Chiến tranh thương mại

Một quan ngại khác của nhà đầu tư toàn cầu mà BIS chỉ ra là xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2019.

Vào hôm thứ Sáu vừa qua, những số liệu kinh tế không được như kỳ vọng của Trung Quốc đã gây biến động xấu tới thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong những tháng tới.

Các số liệu cũng cho thấy rủi ro đang ngày càng gia tăng đối với kinh tế Trung Quốc khi quốc gia này đang nỗ lực giải quyết vấn đề xung đột thương mại với Mỹ.

Ngày 1/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí không đánh thêm thuế nhập khẩu trong 90 ngày đầu tiên của năm 2019. Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế đang có thái độ hoài nghi về triển vọng Bắc Kinh và Washington có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện trong khoảng thời gian “ngừng chiến” này.  

Bất ổn chính trị

Cuối cùng BIS nhận định: “Bất ổn chính trị gia tăng” thúc đẩy các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn cho đồng vốn của mình trong quý cuối cùng của năm 2018.  

Ở châu Âu, sự kiện Brexit kéo dài và đầy trắc trở, những vụ bạo động và biểu tình tại Pháp và chi tiêu ngân sách của Ý gia tăng mạnh là những vấn đề đau đầu đối với Brussels.

Trong khi đó những diễn biến của thương mại toàn cầu đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường thế giới.