Thị trường chứng khoán thế giới lao dốc vì tác động của dịch Covid-19
Giới đầu tư "tháo chạy" khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) và tìm đến các tài sản an toàn hơn. Trong khi lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm sụt xuống dưới 0,5%. Lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1%. Đó là những thông tin được các hãng thông tấn phản ánh về nền kinh tế số 1 thế giới những ngày qua trong cơn bão của đại dịch COVID-19.
Ngày thứ Hai đen tối đối với các TTCK toàn cầu
Từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ số các TTCK lớn ở châu Âu đã sụt khoảng 20% do tác động kép của dịch COVID-19 và tình trạng giá dầu tuột dốc.
Dịch COVID-19 hiện đang làm tê liệt một phần của nền kinh tế thế giới, trong đó có Trung Quốc, quốc gia chiếm 20% GDP toàn cầu, có nước Ý, một thành viên của nhóm G7, nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Đó là chưa kể nước Pháp, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 6 thế giới, cũng có thể sẽ bị giống như Ý.
Do mối lo ngại dịch bệnh này sẽ gây tác hại lâu dài lên nền kinh tế thế giới, mà ngày 09/3/2020 đã trở thành ngày thứ Hai đen đối với các TTCK trên toàn cầu.
Chỉ số thị trường Franforct đã sụt giảm đến 7,94%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ đợt tấn công khủng bố 11/09/2001 tại Hoa Kỳ. Thị trường Luân Đôn cũng bị mất 7,69%, còn Paris mất đến 8,39%, nặng nhất kể từ năm 2008, tức là năm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trước tình hình này, các lãnh đạo châu Âu đã họp với nhau từ xa để phối hợp hành động đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh. Thông qua đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đề ra các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế của nước khu vực đồng euro.
Theo lời nhà phân tích người Nhật Kiyoshi Ishigane được hãng tin Bloomberg trích dẫn, các thị trường tài chính trông chờ rất nhiều vào các biện pháp của châu Âu huy động ngân sách để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ kinh tế.
Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán châu Á trong phiên 12/3, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh cấm đi lại từ các nước châu Âu sang Mỹ trong vòng một tháng để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, qua đó làm dấy lên lo ngại kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức "gắn mác" đại dịch toàn cầu đối với dịch COVID-19 khiến TTCK châu Á vốn đã chịu tác động trước thông báo của WHO, lại giảm sâu hơn sau phát biểu của Tổng thống Trump.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 4,4% xuống 18.559,63 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 3,5% xuống 24.344,13 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite để mất 1,5% xuống 2.923,49 điểm.
Chứng khoán Sydney để mất 7,4%, ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Chứng khoán Seoul, Singapore và Jakarta đều hạ hơn 3%, chứng khoán Mumbai giảm hơn 6% và chứng khoán Bangkok sụt giảm 8%.
Chứng khoán Manila để mất gần 10% giá trị sau thông tin Tổng thống Philippines sẽ trải qua một cuộc kiểm tra xem có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không khi nhà lãnh đạo Philippines cùng Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nước này nằm trong số các quan chức từng tiếp xúc với người bệnh.
Chứng khoán Wellington mất 5% và chứng khoán Đài Bắc hạ 4,3%. Trên thị trường tiền tệ, đồng yen, vốn được coi là tài sản an toàn trong thời kỳ khủng hoảng, đã tăng hơn 1% so với đồng USD. Một USD đổi 103,91 yen so với mức 104,54 yen/USD trước đó.
TTCK Việt Nam tại thời điểm này, chỉ số VN-Index giảm 5,19% xuống 769,25 điểm, còn chỉ số HNX-Index hạ 3,41% xuống 101,92 điểm.
Lo ngại tái diễn khủng hoảng tài chính đã lan ra toàn cầu
Đại dịch COVID-19 không phải là nguyên nhân duy nhất khiến các TTCK toàn cầu chao đảo, mà bên cạnh đó còn có tình trạng giá dầu tuộc dốc trong những ngày qua, mức sụt giảm được đánh giá là nặng nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Bình thường trong tình hình như vậy thì các nước xuất khẩu dầu hỏa sẽ tìm cách giảm bớt sản lượng để nâng giá dầu lên trở lại. Thế nhưng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC, nước Nga, quốc gia sản xuất dầu đứng hàng thứ hai thế giới hiện nay, đã không chấp nhận đề nghị của Ả Rập Xê Út cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng mỗi ngày. Bất đồng này đã khiến giá dầu sụt 10% ngay sau đó.
Theo nhà phân tích Jeffrey Halley, được hãng tin AFP trích dẫn, Ả Rập Xê Út dường như muốn trừng phạt nước Nga cho nên đã quyết định “phá giá” dầu. Còn nước Nga, tự tin vì đang có nguồn dự trữ tài chính dồi dào, kiên quyết không chịu thua Ả Rập Xê Út, tuyên bố sẵn sàng để cho giá dầu tiếp tục tuột dốc.
Nhà phân tích thị trường Josh Mahony tại IG London cho rằng, thị trường dầu hỏa sẽ tiếp tục ở mức thấp trong những tháng tới, nhất là vì, do tác động của dịch COVID-19 lên tăng tưởng kinh tế thế giới, nhu cầu về dầu hỏa trên toàn cầu sẽ bớt đi.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo cho rằng, năm nay nhu cầu dầu hỏa của thế giới sẽ sụt giảm lần đầu tiên từ năm 2009, cụ thể là mỗi ngày sẽ giảm 90 ngàn thùng so với năm 2019. Tổ chức này không loại trừ kịch bản xấu nhất, đó là nhu cầu dầu hỏa sụt đến 730 ngàn thùng/ngày, nếu các vùng bị dịch mất nhiều thời gian hơn để phục hồi và dịch bệnh lan rộng hơn nữa trên thế giới.
“Cú sốc kinh tế do COVID-19 có thể nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính 2008” đó là dự báo của một số nhà kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa có dấu hiện dừng lại và đang tác động đến mọi hoạt động kinh tế, sản xuất trên khắp thế giới.
Việc thị trường hoảng loạn sau các biện pháp khẩn cấp trong đêm 15/3 của Cục Dự trữ liên bang (FED), bao gồm cắt giảm lãi suất về gần 0%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 để giảm bớt áp lực lên nền kinh tế lớn nhất thế giới do dịch COVID-19 nhằm trấn an thị trường dường như gây tác dụng ngược khi chứng khoán lao dốc không phanh trong ngày 16/3.
Thế giới liệu có trên bờ vực khủng hoảng?
Theo các chuyên gia, so sánh cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đang và sắp gây ra thì lần này tình hình xấu hơn nhiều bởi trong khủng hoảng tài chính lần trước, vận tải hàng không bị ngưng, biên giới không bị đóng và đặc biệt là cuộc sống của thế giới không có phong toả và cách ly.
Nhà kinh tế trưởng của Hãng tư vấn Rosenberg Research and Associates Inc cho rằng “chúng ta đang nói về một nỗi sợ hữu hình khiến mọi người rút khỏi hoạt động kinh tế... và khủng hoảng tài chính đâu có đi kèm tỉ lệ tử vong…”
Theo báo Financial Post (Canada), chỉ trong có vài tuần, các nhà kinh tế Canada và Mỹ từ chỗ không tin vào nguy cơ suy thoái, đã nhanh chóng chuyển sang thảo luận mức độ thiệt hại do cơn địa chấn COVID-19 gây ra.
Hàng loạt ngân hàng của Canada như Scotiabank, Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC) và Royal Bank of Canada (RBC) đều dự báo nguy cơ khủng hoảng tài chính là rất lớn.
Trong một diễn biến khác, tại châu Á, Philippines trở thành quốc gia đầu tiên phải đóng cửa thị trường tài chính do ảnh hưởng từ COVID-19. Một số nhà bình luận kêu gọi các thị trường khác nên nối gót Philippines.
Philippines thông báo dừng giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ cho đến khi có thông báo tiếp theo, hiệu lực từ ngày 17/3, theo sở giao dịch chứng khoán Philippines và Hiệp hội Ngân hàng Philippines. Với động thái này, Philippines trở thành quốc gia đầu tiên phải đóng cửa thị trường tài chính vì COVID-19.
Còn tại Mỹ, TTCK Phố Wall được cho là u ám nhất kể từ năm 2008 bởi vừa trải qua tuần lễ tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bất chấp gói cứu trợ kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Theo CNBC, kết thúc phiên giao dịch 20/3 (giờ Mỹ), chỉ số Dow Jones sụt hơn 4% trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt lao dốc 4,3% và 2%. Như vậy, Dow giảm hơn 17% từ ngày 16 đến 20/3. Đây là cú rơi tự do trong một tuần sâu nhất của Dow kể từ tháng 10/2018.
Có thể thấy, mối lo ngại tái diễn khủng hoảng tài chính nay đã lan ra toàn cầu, vì vậy, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi phải có một đối sách phối hợp ở cấp độ thế giới để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính 2008 tái diễn.