Thị trường chứng khoán: Thời kỳ mua gì cũng thắng đã trở lại?
Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực với sắc xanh lan tỏa tại hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu bất chấp bối cảnh tốt xấu của doanh nghiệp trong nhiều tháng qua đang khiến các nhà đầu tư liên tưởng đến một vài giai đoạn “mua là thắng” trong quá khứ.
Xét báo cáo nhận định thị trường của các công ty chứng khoán (CTCK) trong giai đoạn hiện nay đều tìm thấy một điểm chung chính là nhiều tín hiệu cho thấy thị trường vẫn còn dư địa tăng điểm trong thời gian tới dưới sự trợ giúp của dòng tiền nội, trong khi thông tin cả trong và ngoài nước chưa có gì đáng lo ngại.
Các phân tích kỹ thuật cũng đang chỉ ra cơ hội đi lên của các chỉ số, trong đó Vn-Index có thể thử thách vùng kháng cự mục tiêu quanh mốc 950 điểm.
Giá cổ phiếu tăng đều
Kết thúc quý III/2020, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận một quý phục hồi tốt với mức tăng 9,4% của Vn-Index đưa Việt Nam áp sát danh sách tăng trưởng tốt nhất toàn cầu trong ba tháng kết thúc vào ngày 30/9. Tính đến 29/9, Rus 3000 Growth, Nasdaq và Korea là ba chỉ số ấn tượng nhất thế giới trong giai đoạn này.
Tuy quy mô vốn hóa còn nhỏ, nhưng HNX-Index đã có màn trình diễn hết sức ấn tượng khi kết thúc quý III đạt tỷ suất lên tới 20,5% ấn tượng chỉ xếp sau KSE 100 của Pakistan (trong khu vực Châu Á).
Khối lượng giao dịch hàng ngày được cải thiện đáng kể và trở lại sôi động hơn rất nhiều so với thời điểm khó khăn - thời điểm đầu năm khi các phiên giao dịch với giá trị khớp lệnh 7.000-7.500 tỷ đồng/ngày đã trở nên phổ biến.
Đóng vai trò hỗ trợ chính trong đà tăng điểm của các chỉ số là sự gia nhập của dòng tiền mới hay còn gọi là nhà đầu tư F0. Cũng nhờ dòng tiền bắt đáy này mà giá cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng đều đặn, cổ phiếu chứng khoán “dậy sóng”, nhóm khu công nghiệp chủ yếu giao dịch với đà tăng...
Thậm chí những công ty đang có vấn đề, thua lỗ triền miên cổ phiếu cũng bứt phá với tốc độ tăng gấp đôi, gấp ba trong vòng chưa đầy 3-4 tháng, thu hút được lượng lớn tiền trên thị trường chứng khoán.
Có thể kể đến trường hợp của nhóm cổ phiếu ngành du lịch khi tình hình kinh doanh ảm đạm trong 3 quý đầu năm cùng với đó là những diễn biến khó lường của dịch bệnh “đe dọa” sức khỏe của các doanh nghiệp nhưng tính thanh khoản của nhóm cổ phiếu này vẫn khá cao và được nhà đầu tư quan tâm.
Gây “choáng váng” nhất là cổ phiếu DAT của CTCP Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản từ một cổ phiếu có mức giá “mớ rau” 6.820 đồng/cp (phiên 18/6), DAT ghi nhận 39 phiên tăng trần liên tiếp leo lên mức giá “khủng” 92.100 đồng/cp (phiên 12/8).
Đến nay, DAT đã điều chỉnh về vùng giá 40.000 đồng/cp nhưng so với mức “mớ rau” của cách đây vài tháng thì DAT vẫn “trên đỉnh vinh quang”.
Thực tế, những cổ phiếu thị giá càng thấp lại càng được giới đầu tư chú ý bởi lượng vốn bỏ ra không nhiều nhưng nếu tăng giá lợi ích thu về được tính bằng lần. Hiện, Vn-Index chỉ còn thấp hơn so với đầu năm khoảng 5,8% nhưng đa phần cổ phiếu thị giá thấp đã vượt đỉnh vài năm.
Rủi ro đang dồn nén?
Hai quý gần đây thực sự là giai đoạn thành công vượt ngoài mong đợi so với những gì các chuyên gia, nhà chức trách kỳ vọng từ sau khi dịch bệnh “đổ bộ” vào Việt Nam đã khiến các nhà đầu tư liên tưởng đến thời kỳ “mua gì cũng trúng” cách đây nhiều năm.
Trên một diễn đàn chứng khoán với hàng trăm nghìn thành viên là những nhà đầu tư, môi giới chứng khoán, chuyên gia phân tích tham gia đang xôn xao về việc "chỉ cần không chọn những cổ phiếu bất thường thì gần như nhà đầu tư không thể lỗ trong giai đoạn này”.
Hay như chia sẻ của thành viên Xuân Đức-nhà đầu tư chứng khoán lâu năm “ Giờ thì kinh doanh gì cho bằng lãi chứng khoán? Tiết kiệm thì lãi suất thấp, kinh doanh khó khăn nên toàn dân đầu tư chứng khoán, thị trường không chịu giảm là điều dễ hiểu”.
Trong quá khứ, đã có hai giai đoạn được đánh giá là “không thể lỗ” là thời kỳ thị trường chứng khoán “bùng nổ” hồi cuối năm 2017 đầu năm 2018 khi chỉ số Vn-Index vượt mức kỷ lục 1.200 điểm của thị trường, thanh khoản cũng xác lập mức “chưa từng có” với trung bình 9.600 tỷ đồng được giao dịch mỗi phiên.
Xa hơn nữa là giai đoạn năm 2007 khi “người người, nhà nhà” đều đánh chứng khoán . Mẫu số chung của đà tăng trưởng này đều nhờ dòng vốn ổn định từ khối nội và sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới.
Tuy nhiên, trong những giai đoạn trước đó thị trường chứng khoán được làm nóng bằng chính những yếu tố nội tại, sự sôi động của hoạt động thoái vốn, còn đối với thị trường chứng khoán của 2/3 quãng đường năm 2020 lại mang một sắc thái hoàn toàn khác.
Theo nhận định của lãnh đạo một quỹ đầu tư, chính vì thực tế hầu hết các kênh đầu tư đều không mang lại hiệu quả do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tâm lý đầu tư dễ bị định hướng theo các màn đầu cơ mà thị trường chứng khoán là “miền đất hứa” cho hoạt động này.
Tuy nhiên, trong đầu tư chứng khoán luôn cần phải giữ chiến thuật “cái đầu lạnh” thay vì “cái đầu nóng” chạy theo sóng tăng điểm bằng mọi giá và mua đuổi. Cần phải nhắc lại là, đà bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh nguyên nhân là tái cơ cấu danh mục còn là họ nhận thấy đã đến thời điểm chốt lời.
Trong khi đó, những rủi ro như dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở châu Âu và Mỹ với tốc độ lây nhiễm cao hơn nhiều, khả năng nhiều thành phố lớn bị phong tỏa có thể xảy ra, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày càng đến gần với những diễn biến khó lường, các phiên đáo hạn phái sinh...không phải mới nhưng đang được dồn nén lại như một chiếc lò xo ở giai đoạn mới.