Thị trường chứng khoán Việt Nam cần lên hạng trên nền tảng vững chắc
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Chứng khoán năm 2019 là triển khai các giải pháp nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Tăng cường thu hút dòng vốn ngoại
Để thực hiện được việc này, UBCKNN cho rằng, cần tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc trong việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc ban hành Luật chứng khoán sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên TTCK; tăng tính công khai, minh bạch hóa trên TTCK, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài. Cơ quan quản lý cũng tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư trên TTCK.
Về giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN thông tin, kết quả đánh giá sơ bộ của Tổ chức FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) tháng 9/2018 cho thấy, TTCK Việt Nam đã đủ tiêu chuẩn để được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cấp 2. Tháng 9/2018, đại diện FTSE đã gửi thư thông báo cho UBCKNN về việc đưa Việt Nam vào danh sách xem xét được nâng hạng năm 2018.
Theo ông Dũng, việc nâng hạng thị trường chủ yếu do một số tổ chức đánh giá, xác định. Tùy theo tổ chức xếp hạng sẽ đưa ra hạng của các TTCK các nước thuộc thị trường cận biên, mới nổi hay thị trường phát triển.
Riêng thị trường mới nổi lại chia làm hạng 1 và hạng 2. Còn đối với Tổ chức xếp hạng thị trường MSCI (Morgan Stanley Capital International - công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính, và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu để đo lường hiệu quả hoạt động đầu tư) sẽ chia thị trường thành cận biên, mới nổi và phát triển.
Cần cải thiện độ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Việc xác định hạng thị trường hoàn toàn do tổ chức đánh giá tự xác định mang tính khách quan dựa trên tiêu chí cứng và tiêu chí mềm. Tiêu chí cứng là tiêu chí các tổ chức này có thể định lượng được. Tiêu chí mềm hoàn toàn dựa vào quan điểm của các nhà đầu tư, quan điểm của các tổ chức phân tích và của nhóm chuyên gia đánh giá.
Phần định lượng được là về quy mô thị trường, số lượng DN đạt mức vốn hóa so với GDP... Nhưng quan trọng nhất đó là tiêu chí mềm, vì tiêu chí này mang tính định tính nên rất khó xác định. Với tiêu chí này, có những phần đánh giá về thị trường Việt Nam mang tính khách quan, tích cực, nhưng cũng có những đánh giá nhìn nhận thị trường Việt Nam chưa hấp dẫn ở điểm sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với DN Việt Nam và độ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Đây là điểm chính đang vướng mắc và vướng mắc này chốt lại mang tính định tính do các nhà đầu tư nhận xét, đánh giá về thị trường”, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN nhận định.
Trong Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi, bổ sung) đã nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Đây được coi là giải pháp để tạo sự thuận lợi hút nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầu tư lâu dài, bền vững vào thị trường Việt Nam không chỉ là việc của các cơ quan quản lý TTCK, thị trường vốn mà nó còn liên quan đến nhiều bộ, ngành. Bởi có những quy định quy định riêng cho từng ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó, việc thu hút và giữ chân dòng vốn ngoại còn có liên quan đến vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, dự trữ ngoại hối,… Tùy từng thời kỳ mà có quy định khác nhau. Để thu hút vốn ngoại, những thông tin của DN Việt Nam nhà đầu tư nước ngoài cần phải dễ dàng tiếp cận được.
Đẩy mạnh thông tin đối ngoại về TTCK Việt Nam
Hiện nay, Nhà đầu tư nước ngoài có đề cập tới sự chênh lệch lượng thông tin giữa nhà đầu tư Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài. Ngôn ngữ sử dụng không thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin từ DN, chủ yếu là tiếng Việt mà không có bản tiếng Anh đã gây ra những khó khăn nhất định cho việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư ngoại.
Theo Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn về mặt thông tin, UBCKNN đã chuyển đổi các quy định pháp lý sang tiếng Anh và đăng trên Website của Ủy ban nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu nước ngoài nắm được những quy định pháp lý mới về thị trường. Bên cạnh đó, UBCKNN cũng khuyến khích các DN niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Ông Sơn cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài ra quyết định đầu tư sẽ nhìn vào tổng thể thị trường. Tuy vậy, ngành Chứng khoán phải thực hiện theo những chuẩn mực của các tổ chức xếp hạng, lấy đây làm chuẩn nếu muốn hội nhập và thu hút đầu tư nước ngoài. Đơn cử như việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì họ phải biết được thông tin, vì vậy công bố thông tin bằng tiếng Anh là việc cần thiết.
Trong giai đoạn tới, song song với việc đưa ra các giải pháp, chính sách trong Luật Chứng khoán và các quy định pháp lý dưới luật, UBCKNN hướng tới tiếp cận và trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư để lắng nghe khó khăn của họ.
“Thực tế khi chúng tôi tiếp cận nhà đầu tư tại Singapore họ nhìn nhận rằng, vấn đề quan trọng là thị trường có hấp dẫn không, có tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư hay không. Nếu thị trường vẫn tạo ra lợi nhuận thì họ sẽ đầu tư chứ không chỉ là việc thị trường được lên hạng”, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN cho biết.
Điểm cuối cùng là thị trường phải đủ lớn để nhà đầu tư rót tiền vào. Hơn nữa, việc đánh giá xem xét nâng hạng sẽ được các tổ chức thực hiện 6 tháng một lần. Do đó, khi lên hạng mà không giữ được sẽ tạo ra hình ảnh không tốt cho thị trường. Chính vì vậy, các chính sách phải tạo ra thị trường phát triển bền vững, khi đó hạng mới giữ vững được, ông Dũng chia sẻ.
Các DN lên sàn phải minh bạch tình hình tài chính, hoạt động và làm ăn có lãi
Theo Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn, cơ bản nhất của TTCK là phải đạt chuẩn của IOSCO - Tổ chức Quốc tế của các Uỷ ban Chứng khoán trên thế giới. UBCKNN của Việt Nam là một trong những thành viên của tổ chức này thì phải đạt chuẩn các tiêu chí trong tổ chức. Cùng đó, cốt lõi của TTCK là sự minh bạch, đảm bảo theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đồng thời, đảm bảo tiêu chuẩn về công bố thông tin cũng như chế độ kế toán, kiểm toán.
Ông Phạm Hồng Sơn cũng bày tỏ, việc xếp hạng chỉ là do một số quỹ đầu tư nước ngoài lập lên để có hướng đầu tư vào các thị trường; việc chấm điểm các thị trường được thực hiện 6 tháng một lần.
Thực tế, không phải thị trường Việt Nam không lên hạng là không phát triển. Cụ thể, năm 2017 dòng vốn vào Việt Nam đạt mức cao trong khu vực (2,92 tỷ USD). Năm 2018, những nước có hạng vẫn bị nước ngoài rút vốn, trong khi Việt Nam chưa được nâng hạng nhưng dòng tiền vẫn đổ mạnh vào thị trường (đạt 2,89 tỷ USD).
Theo ông Sơn, với các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý phải có bản công bố bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nước ngoài đọc và hiểu được. Ngoài ra, các tin tức khác về thị trường như: cấp phép chào bán, thậm chí tin tức về các cuộc họp báo cũng cần dịch ra tiếng Anh.
Phó Chủ tịch UBCKNN cũng nêu quan điểm, TTCK Việt Nam cần lên hạng trên nền tảng vững chắc và các DN lên sàn cũng phải là những DN tốt. Chất lượng hàng hóa phải tốt và theo đó các công ty phải minh bạch tình hình tài chính, hoạt động và làm ăn có lãi. Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp TTCK phát triển bền vững. Hơn nữa, sản phẩm trên thị trường cũng phải nhiều hơn để các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn, quy mô thị trường phải lớn hơn thì các quỹ đầu tư lớn mới tiếp tục đầu tư.
Hiện nay, độ mở TTCK Việt Nam tương đối lớn so với các nước, trừ một số ngành nghề hạn chế nhưng cơ bản hầu hết các danh mục nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư; trong đó nhiều ngành đã nới room ngoại lên 100%. Do đó, thị trường cũng có những rủi ro nhất định. Đơn cử, nhiều công ty chứng khoán là DN làm nhịp cầu nối giữa thị trường và nhà đầu tư cũng đã là DN 100% vốn ngoại.
"Mặc dù mong muốn thu hút vốn ngoại, nhưng nguồn vốn này cũng phải mang tính dài hạn, muốn vậy thị trường phải tốt để giữ chân được nhà đầu tư. Mặc dù ngành Chứng khoán đã có nhiều giải pháp về khung pháp lý, nhưng DN cũng phải tốt lên. Bên cạnh đó, cần thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư ngoại nhằm giữ chân họ" - Ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.