Thị trường chứng khoán Việt Nam: "Đặt cược" vào những diễn biến tích cực
Chỉ số VN-Index đã trở lại mốc 1.000 điểm trong phiên giao dịch ngày 20/9, sau hơn 3 tháng chìm dưới mốc kháng cự tâm lý này mà không thể vượt qua. Yếu tố nào đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hưng phấn như thế và liệu nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì cho giai đoạn tiếp theo?
Những dự báo trước đó đều tin rằng không sớm thì muộn VN-Index sẽ quay trở lại mốc 1.000 điểm, dù trong thời điểm thị trường còn vất vả chống trả những đợt điều chỉnh và áp lực bán không ngớt từ các nhà đầu tư trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài. Và thực tế đã xảy ra như mong đợi với những phiên tăng điểm mạnh mẽ, đặc biệt kể từ sau khi kết thúc tháng ngâu.
Thống kê cho thấy VN-Index đã trải qua chuỗi 9 phiên tăng điểm trong số 10 phiên kể từ ngày 7/9 đến 20/9 và trong đó có đến 8 phiên khối ngoại quay trở lại mua ròng với tổng giá trị lên đến 1.067 tỷ đồng trên sàn HoSE. Có thể nói dòng tiền của nhóm nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp đẩy thị trường đi lên mà còn tạo hiệu ứng tâm lý tích cực lan tỏa đến nhóm nhà đầu tư trong nước.
Tỷ giá ổn định trở lại là một trong những nguyên nhân chính giúp nhà đầu tư nước ngoài có lại niềm tin vào thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đồng tiền của nhiều nền kinh tế đã mất giá hàng chục phần trăm so với đô la Mỹ, trong khi tiền đồng tiếp tục giữ được sự ổn định dù trải qua nhiều sóng gió trong 2 tháng đầu quý III. Tính đến thời điểm này, tỷ giá trung tâm tăng chưa đến 1,3% so với đầu năm, trong khi giá USD trên thị trường tự do liên tiếp giảm kể từ đầu tháng 9 đến nay.
Cần biết rằng đồng nội tệ bị phá giá mạnh là lý do chính khiến dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi các thị trường tài chính của các nền kinh tế - điều đã từng trải qua tại Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina. Rõ ràng rủi ro thua lỗ tỷ giá lên đến hàng chục phần trăm khiến việc đầu tư vào những thị trường chứng khoán này chẳng khác nào một canh bạc mà biết trước sẽ thua.
Tất nhiên những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua cũng như những dự báo đầy lạc quan cho giai đoạn tới của các tổ chức tài chính quốc tế cũng giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng trong giai đoạn này. Không chỉ các tổ chức trong nước dự báo VN-Index có thể thiết lập những mức cao trở lại trong những tháng còn lại của năm nay cũng như năm sau, mà ngay cả những ngân hàng quốc tế như UBS gần đây cũng tin rằng VN-Index sẽ tăng lên 1.070 điểm vào tháng 12/2018 và 1.360 điểm vào tháng 12/2019.
Nếu như trước đây, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được xem là yếu tố rủi ro đáng kể lên thị trường, thì một loạt phân tích mới nhất lại cho rằng Việt Nam có thể được lợi từ việc gia tăng thị phần hàng xuât khẩu vào Mỹ, cho đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư bị rút ra khỏi Trung Quốc và đổ vào Việt Nam do có lợi thế về mặt địa lý.
Theo bảng kết quả phân loại thị trường hồi tháng 3 của FTSE, thị trường chứng khoán Việt Nam còn 3 tiêu chí chưa đạt yêu cầu là thanh toán bù trừ, cho phép bán khống và thị trường chứng khoán phái sinh phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì khả năng Việt Nam vẫn sẽ được đưa vào danh sách theo dõi trong năm 2019 và chậm nhất vào năm 2020 có thể được nâng hạng.
Nếu như trước đây, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được xem là yếu tố rủi ro đáng kể lên thị trường, thì một loạt phân tích mới nhất lại cho rằng Việt Nam có thể được lợi từ việc gia tăng thị phần hàng xuất khẩu vào Mỹ, cho đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư bị rút ra khỏi Trung Quốc và đổ vào Việt Nam do có lợi thế về mặt địa lý. Theo đó, các hàng rào thuế quan thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tiếp được dựng lên về mặt nào đó lại trở thành cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, do đó càng làm gia tăng sự phấn khởi của các nhà đầu tư.
Có thể thấy với hàng loạt yếu tố hỗ trợ tích cực đã giúp thị trường lấy lại được mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên liệu xu hướng tăng có tiếp tục được duy trì, hay thị trường sẽ lại đối mặt với áp lực chốt lời và rồi suy yếu trở lại như đợt hồi phục ngắn ngủi đã diễn ra vào giữa tháng 6? Nhất là khi phiên 21/9 cuối tuần rồi với đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF đã chứng kiến dòng vốn ngoại bán ròng hơn 781,5 tỷ riêng trên sàn HoSE, đẩy thị trường điều chỉnh giảm 1,77 điểm trở lại, dù trong phiên có lúc tăng gần 5 điểm, lên 1.009 điểm.
Về kỹ thuật, vùng kháng cự gần nhất của VN-Index có thể nằm tại 1.020 điểm, kế tiếp là 1.050 điểm và sau đó là mốc 1.100 điểm. Dù vậy, với tâm lý đang lạc quan trở lại thể hiện qua thanh khoản những phiên gần đây tăng vọt cùng với điểm số tăng là một trong những dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn nghiêng về xu thế tiếp tục đi lên. Sàn HoSE đã ghi nhận 3 phiên liên tiếp gần đây khối lượng giao dịch đều khớp trên mốc 200 cổ phiếu/phiên, đặc biệt phiên ngày 21/9 khớp hơn 302 triệu cổ phiếu. Có vẻ như quý IV sắp tới sẽ tiếp tục chứng kiến các cổ phiếu diễn biến tích cực.