Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thuận lợi trong dài hạn
Trả lời báo chí về công tác phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, có nhiều yếu tố tích cực sẽ tác động tích cực để TTCK diễn biến thuận lợi trong thời gian tới.
Triển vọng trong dài hạn
Đánh giá về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, thị trường đã có sự tăng trưởng mạnh trong quý I/2018, chỉ số VN-Index đã bứt phá ra khỏi vùng đỉnh lịch sử được thiết lập năm 2007, đạt 1.204,33 điểm (ngày 09/4/2018), tăng 22,4% so với cuối năm 2017.
Từ giữa tháng 5 đến nay, thị trường có xu hướng điều chỉnh với những phiên tăng giảm mạnh đan xen. Nguyên nhân là do TTCK Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài và đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, các nhà đầu tư chốt lời đối với các cổ phiếu đã có mức tăng giá mạnh từ đầu năm và dè dặt hơn trong giải ngân mới, chờ đợi cơ hội thích hợp để tiếp tục đầu tư.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vẫn tăng mạnh do nửa đầu năm 2018 có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn lên niêm yết, tiêu biểu là CTCP Vinhomes. Nhờ đó, quy mô vốn hóa thị trường đạt 3.846 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2017, tương đương 76,8% GDP.
Dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào TTCK Việt Nam tương đối cao, đạt 615 triệu USD trong tháng 4 và 450 triệu USD trong nửa đầu tháng 5/2018. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng ở sự tăng trưởng của thị trường và sẵn sàng giải ngân ở thời điểm thích hợp.
Ông Dũng cho rằng, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực, thị trường tài chính – tiền tệ, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm; Khối ngoại vẫn tiếp tục vào ròng, chưa có dấu hiệu rút vốn khỏi TTCK; Tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn ổn định… sẽ là những yếu tố tích cực tác động để TTCK Việt Nam diễn biến thuận lợi về dài hạn.
Phát triển theo chiều sâu và kiên trì tái cấu trúc thị trường
Để tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào TTCK Việt Nam, ông Trần Văn Dũng cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục bảo đảm duy trì ổn định, bền vững của TTCK, phát triển TTCK theo chiều sâu và kiên trì công tác tái cấu trúc TTCK. Trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát, trong đó trọng tâm là triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi trình Bộ Tài chính trình Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong năm 2018 và thông qua vào năm 2019.
Thứ hai, tiếp tục tham gia có hiệu quả vào công tác huy động vốn cho ngân sách nhà nước, vào công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch để tranh thủ cơ hội tăng quy mô của thị trường; Kết hợp công tác tăng quy mô với tăng chất lượng của doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục tái cấu trúc tổ chức vận hành thị trường, hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động và giao dịch trên TTCK.
Thứ tư, tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuẩn bị triển khai các sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (CW) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong năm 2018.
Thứ năm, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến đưa vào giao dịch năm 2019.
Thứ sáu, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch cho TTCK, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.