Chứng khoán Việt Nam liệu đã rẻ?

Theo Bình An/ndh.vn

Hiện tại nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã có mức P/E thấp hơn nhiều so với trung bình toàn thị trường.

Thị trường giảm mạnh chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn đã khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang. Nguồn: Internet
Thị trường giảm mạnh chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn đã khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang. Nguồn: Internet

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có khoảng thời gian lao dốc rất mạnh. Kể từ thời điểm lập đỉnh vào phiên 9/4/2018, thị trường chứng khoán liên tục đi xuống bất chấp thông tin kinh tế vĩ mô đều rất tích cực. Tính đến thời điểm phiên giao dịch ngày 28/5/2018, VN-Index đã giảm gần 273 điểm (-22,6%) so với mức đỉnh 1.204,33 điểm và chỉ còn 931,75 điểm.

Thị trường giảm mạnh chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn đã khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang. Không chỉ những nhà đầu tư ngắn hạn mà cả những nhà đầu tư trung dài hạn đều tổn thất nặng nề trong đợt sụt giảm này. Không chỉ rơi mạnh trong thời gian ngắn mà thị trường liên tục có những phiên 'bull-trap' khiến nhà đầu tư đang dần mất niềm tin đối với thị trường.

Trong phiên giao dịch ngày 29/5, thị trường đã có sự hồi phục rất mạnh, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn đều được kéo lên mức giá trần. Tuy nhiên, câu hỏi nhiều nhà đầu tư đặt ra thời điểm này là đà tăng có bền vững và đáy đã được xác lập?

Theo nguồn data từ Bloomberg cho thấy chỉ số PE dự phóng hiện nay của Việt Nam đã và đang quay về tiệm cận mức trung bình trong 3 năm gần đây.

Trang tin Bloomberg mới đây cho rằng hệ số PE của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm về mức khoảng 15 lần, gần mức trung bình 3 năm là 14,5 lần. Dù vẫn đắt nếu so với một số thị trường cùng quy mô, nhưng Bloomberg định giá cổ phiếu trong VN-Index giờ đang gần mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái trong tương quan so sánh với MSCI Frontier Emerging Markets Index. Vì lý do này, các nhà đầu cơ giá lên đang nhận thấy cơ hội mua vào trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó, thống kê của công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy trong khoảng 40 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất hai sàn niêm yết thì có đến 29 cổ phiếu P/E dưới 16,x. Trong đó GMD đang là cổ phiếu có chỉ số P/E thấp nhất danh sách này với chỉ 3,77. Ngoài ra những cái tên như VPB, HPG, FPT, SSI... đều có mức P/E giảm đáng kể so với thời điểm đỉnh lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, P/E của VPB chỉ còn 8,31, HPG là 8,45 hay như SSI chỉ là 10,55.

Chứng khoán Việt Nam liệu đã rẻ? - Ảnh 1

Như vậy, sau giai đoạn điều chỉnh mạnh của thị trường thời gian qua, nhiều cổ phiếu đã có P/E thấp hơn nhất nhiều so với P/E của thị trường chung.

Theo Công ty Chứng khoán KIS, VN-Index hiện khá rẻ so với các quốc gia mới nổi trong khu vực và định giá các ngành đang ở mức thấp. KIS kỳ vọng lợi nhuận thị trường tiếp tục tăng trưởng 17,8% trong năm nay. Đà tăng lợi nhuận được duy trì, tương tự với đà tăng thị trường chứng khoán. VN-Index đang được giao dịch ở mức PE cuối 2017.

Nói cách khác, chỉ với lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 17,8% năm nay cũng giúp chỉ số VN-Index tăng tương ứng 17,8% so với mức điểm 963 hiện tại mà không cần sự thay đổi các mức định giá nào.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), từ năm 2015 đến quý III/2017 mức P/E dự phòng đều quay quanh mức trung bình với biên độ thấp và sau một thời gian chỉ số này tăng mạnh ở biên độ rộng có khi lên đến gần 21,0x vì vậy mới dẫn đến sự điều chỉnh mạnh của thị trường trong gần đây.

Với mức P/E dự phóng hiện tại gần 16,0x so với mức trung bình 3 năm là 15,5x là một mức điều chỉnh hợp lý. YSVN cho rằng thị trường Việt Nam hiện nay đã quay về giá trị thực nội tại và đây là mức thích hợp cho những nhà đầu tư trung và dài hạn hoặc các nhà đầu cơ trên thị trường.