Thị trường condotel đã đến lúc hồi sinh?

Theo Tuệ An/reatimes.vn

Thị trường condotel tính đến quý III/2020 gần như đóng băng vì không phát sinh giao dịch do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cách cứu nguy hiện tại là tháo gỡ khó khăn về pháp lý và làm rõ vấn đề cam kết lợi nhuận.

Cách cứu nguy hiện tại cho condotel là tháo gỡ khó khăn về pháp lý và làm rõ vấn đề cam kết lợi nhuận.
Cách cứu nguy hiện tại cho condotel là tháo gỡ khó khăn về pháp lý và làm rõ vấn đề cam kết lợi nhuận.

Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, quý III/2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm condotel mới được chào bán. Tuy nhiên, thị trường gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể. Có đến 2/3 các dự án có sản phẩm đang chào bán nhưng không phát sinh giao dịch. Những khu vực dẫn đầu về condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh của thị trường condotel là khung pháp lý cho loại hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng tuột dốc không phanh.

“Vẫn còn đó tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng vì một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng không đảm bảo lợi nhuận như cam kết”, ông Đính cho hay.

Trong khi đó, theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong quý III/2020 chỉ có một dự án condotel mới mở bán, cung cấp ra thị trường 71 căn. Con số này chỉ bằng 27% so với quý II và bằng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 39% nguồn cung mới, bằng 20% so với quý II và 1% so với cùng kỳ năm trước. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý II đến nay.

Tại Hội thảo "Sức hút đô thị biển" được tổ chức mới đây, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Vietnam cho biết, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng giảm sút từ năm 2019 sau giai đoạn cao trào 2016 - 2018, giảm cả nguồn cung mới và sức tiêu thụ. Giá tăng mạnh trong thời qua cũng là một thách thức đáng kể. Mặc dù trong khoảng 2 - 3 năm tới, nguồn cung có thể lên đến hàng ngàn sản phẩm ở mỗi loại hình nhưng còn phải phụ thuộc vào phản ứng của thị trường.

Để thị trường phát triển bền vững, đại diện DKRA Vietnam đưa ra kiến nghị rằng cần định vị lại thị trường bất động sản biển. Trong đó, cần xác định rõ đây có phải là thị trường để mua đi bán lại các sản phẩm như đầu tư bất động sản nhà ở hay không.

Liên quan đến vấn đề pháp lý cho loại hình bất động sản biển, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: "Nói về pháp luật thì đúng là chưa theo kịp, chưa đáp ứng được mong muốn của các chủ đầu tư và của người dân. Nhưng nếu nói chưa có quy định là không đúng. Hiện nay, không có một quy định pháp luật nào về đầu tư kinh doanh dự án du lịch biển hoặc resort mà đó là quy định chung. Nếu không có quy định tại sao một số doanh nghiệp vẫn triển khai dự án và đưa vào vận hành từ mấy năm nay? Phải có mới làm được".

Riêng với loại hình condotel, ông Phấn cho biết, Điều 11, Điều 14 và Điều 19 của Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định rõ việc được mua căn hộ. Người mua cũng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với căn hộ đó. Trong vòng 50 ngày, chủ đầu tư phải làm Giấy chứng nhận và cơ quan Nhà nước phải cấp cho người mua.

Còn vấn đề cam kết lợi nhuận 8% hay 10%, ông Phấn cho hay: "Có ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng nên ban hành quy định khống chế mức cam kết lợi nhuận này, không nên để cao tới 14 - 15%. Tuy nhiên, theo tôi, đây là thỏa thuận trong kinh doanh, không nên khống chế. Nhà nước không nên can thiệp vào. Các doanh nghiệp làm một dự án mất khoảng 5 - 6 năm, nhưng để ra một sản phẩm Luật hay Nghị định, các cơ quan chức năng cũng phải bỏ ra khoảng thời gian tương tự".

Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang rốt ráo hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó có nội dung tạo hành lang pháp lý cởi mở, cụ thể hơn đối với vấn đề sở hữu các sản phẩm bất động sản biển như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà ở quốc gia đầu tháng 10 vừa qua.

Giới phân tích cho rằng, khi pháp lý được hoàn thiện, để đón đầu cơ hội trong chu kỳ phát triển mới, các chủ đầu tư dự án bất động sản biển và cả nhà đầu tư cá nhân phải chuẩn bị và ra quyết định đầu tư ngay từ bây giờ.