Thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh và vấn đề đặt ra sau đại dịch COVID-19

Võ Hữu Phước, Nguyễn Thị Thùy Hiếu - Học viện Chính trị khu vực II

TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu tàu, động lực có sức thu hút và lan tỏa lớn trong vùng và cả nước. Trong năm 2021, Thành phố đối mặt với nhiều khó khăn khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến hàng triệu người lao động của Thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau COVID-19, nhiều ngành nghề phục hồi tăng trưởng ấn tượng khi nền kinh tế cả nước bứt tốc, trở lại nhịp sống bình thường nhưng lại bộc lộ vấn đề thiếu hụt nguồn lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi sau đại dịch của Thành phố.

Số người lao động quay trở lại làm việc là việc tham gia bảo hiểm xã hội gia tăng trở lại.
Số người lao động quay trở lại làm việc là việc tham gia bảo hiểm xã hội gia tăng trở lại.

Thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh qua tác động của đại dịch COVID-19

Theo thống kê, TP. Hồ Chí Minh có 286.336 doanh nghiệp (Trong đó có trên 92% doanh nghiệp có quy mô lao động nhỏ và siêu nhỏ), 465.348 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động với 4.729.917 lao động làm việc trong các thành phần kinh tế.

Số người làm việc trong khu vực phi chính thức khá lớn, chiếm gần 1/3 số lao động tham gia hoạt động kinh tế. Số lượng doanh nghiệp và lực lượng lao động tham gia làm việc trong các thành phần kinh tế trên địa bàn Thành phố xếp vào hạng đông nhất cả nước (Niên giám thống kê năm 2020: Số lượng DN chiếm 42,8%, số lao động chiếm 31,2% so với cả nước).

Trong đợt dịch COVID-19, đối tượng bị ảnh hưởng rõ nét nhất ở cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng là lao động khu vực phi chính thức (lao động tự do), hoặc lao động làm việc trong một số ngành nghề như du lịch, vận tải hành khách, giải trí, nghệ thuật, dịch vụ phục vụ cá nhân… lao động của các ngành này phải ngừng các hoạt động tạo ra thu nhập để thực hiện các quy định phòng, chống dịch trong khoảng thời gian dài.

Tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19 đến lao động - việc làm có thể thấy rõ nét qua việc giảm thời gian làm việc, giảm lương/thu nhập, ngừng việc, mất việc làm, năng suất lao động giảm, chuyển đổi khu vực làm việc từ chính thức sang phi chính thức (dịch chuyển việc làm để thích ứng với tình hình), gia tăng bất bình đẳng xã hội, bình đẳng giới (người lao động dễ rơi vào chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo do giảm thu nhập; lao động nữ phải ở nhà làm việc nhà, trông con khi các trường học chưa mở cửa trở lại…).

Từ ngày 01/10/2021, TP. Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp có quy mô lao động đông vẫn chưa hoạt động hết công suất và thận trọng khi tăng quy mô lao động, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tại thời điểm đó chiếm 60%. Đến tháng 11/2021, trên 80% doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động với quy mô lao động sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh từ 80%-90% tổng số lao động.

Số người lao động quay trở lại làm việc là việc tham gia bảo hiểm xã hội gia tăng trở lại. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế cá thể ở khu vực phi chính thức cũng dần quay trở lại trạng thái bình thường mới, một số hoạt động thương mại dịch vụ phục vụ cá nhân (dịch vụ ăn uống, chăm sóc sắc đẹp, xe ôm công nghệ, bán vé số,…) được phép hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm ngưng đã tác động tích cực đến tình trạng việc làm của người lao động trong khu vực này.

Đến năm 2022, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhờ đó, thị trường lao động khởi sắc hơn nhiều. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 315.612 lượt người, đạt 105,3% kế hoạch năm, tăng 3,3% so với năm 2021; số chỗ việc làm mới được tạo ra đạt 141.312 chỗ, đạt 100,9% kế hoạch năm, tăng 0,23% so với năm 2021.

Yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về thị trường lao động

Thực tế đang đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác quản lý nhà nước về thị trường lao động. Cụ thể:

- Về theo dõi, quản lý nguồn nhân lực: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lao động; Có sự kết nối thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, định kỳ cập nhật thông tin biến động liên quan đến tình trạng cư trú, việc làm, các chính sách được nhà nước hỗ trợ.

Thời gian qua, mặc dù các lĩnh vực quản lý nhà nước đều hướng tới xây dựng, thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý ngành, tuy nhiên cơ sở dữ liệu này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước. Trong đại dịch COVID-19, quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội từ Trung ương đến địa phương bộc lộ nhiều hạn chế như chưa thể bao phủ đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng. Chính quyền cơ sở phải mất thời gian để thống kê, lập danh sách các đối tượng bị ảnh hưởng cần sự hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước mà không có sẵn dữ liệu quản lý, đặc biệt là dữ liệu liên quan đến đối tượng lao động nhập cư, lao động trong khu vực phi chính thức. Ngay cả các tỉnh có người dân đi làm việc ngoại tỉnh cũng không thể thống kê được số lượng lao động của địa phương mình nên gặp lúng túng khi lên kế hoạch đưa người dân về địa phương để phòng, tránh dịch.

- Về công tác chăm lo, hỗ trợ cho người lao động: Quan tâm đến chính sách nhà ở cho người lao động di cư, người lao động có thu nhập thấp giúp cho người lao động có chổ ở an toàn, ổn định lâu dài.

Thiếu nơi ăn chốn ở ổn định, thiếu nơi lưu trú an toàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế buồn, dòng người ùn ùn rời bỏ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... trở về quê nhà. Vấn đề nhà ở là một trong những nhu cầu bức thiết nhất đối với người lao động, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Việc cung cấp nơi lưu trú, nhà trọ giá rẻ, giá bình dân chưa đáp ứng nhu cầu một cách đầy đủ, an toàn, ổn định giúp người lao động nghèo, khó khăn yên tâm làm việc trong bối cảnh đại dịch. Người lao động phải sinh sống trong những khu nhà chật hẹp, môi trường sinh sống không an toàn, dễ phát sinh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, sự cạn kiệt về kinh phí dẫn đến người lao động mất khả năng chi trả chi phí phát sinh liên quan đến nhà trọ.

- Về công tác dự báo, thông tin thị trường lao động: Đánh giá đầy đủ tình hình thị trường lao động không chỉ trong phạm vi địa phương mà mang tính liên kết vùng để hỗ trợ công tác điều tiết nguồn lực lao động phù hợp với từng thời điểm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, cuối năm 2022 và trong quý I/2023, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ gặp khó khăn do giảm đơn hàng (Giang Nam, 2023). Điều này khiến nhiều lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập và đời sống khó khăn. Cũng trong khoảng thời gian này, ngoài các doanh nghiệp gặp khó khăn, vẫn có nhiều doanh nghiệp trong khu vực thương mại - dịch vụ, chế biến công nghiệp, công nghệ cao... có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Điều này cho thấy, thông tin thị trường lao động phải được công bố đầy đủ để làm cơ sở kết nối cung - cầu lao động, nhất là nguồn cung lao động đã quay về địa phương để tránh dịch, cung cấp kịp thời nguồn lao động thiếu hụt khi doanh nghiệp hoạt động tối đa công suất. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác dự báo vẫn còn hạn chế do hệ thống dữ liệu đầu vào không đầy đủ, chưa kịp thời, việc phối hợp cung cấp thông tin giữa các ngành, địa phương còn rời rạc, các tiêu chí thu thập thông tin không thống nhất, không đồng bộ.

Giải pháp thu hút nguồn lao động, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Sau đại dịch COVID-19, để thu hút nguồn lao động, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các giải pháp cần quan tâm thực hiện gồm:

Thứ nhất, tạo lập cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động.

- Cần có sự thống nhất đầu mối từ cấp Trung ương trong hệ thống hóa, đồng bộ về số liệu, thay đổi phương pháp thực hiện trong thống kê, quản lý dân cư, đặc biệt là lao động nhập cư tạm trú. Thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung - cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ… cũng như cân đối thị trường lao động, hoạch định các chính sách phát triển lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với địa phương.

- Tăng cường cập nhật thông tin chung, thông tin chuyên ngành về các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch (công tác kiểm soát dịch, tiêm chủng, xét nghiệm…), chính sách an sinh xã hội, chính sách thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp để doanh nghiệp và người dân nắm bắt thông tin, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh có nhu cầu quay trở lại Thành phố để làm việc.

Thứ hai, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp.

- Cần xây dựng các chương trình, chính sách khuyến khích, thu hút thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, không có chuyên môn nghề nghiệp tích cực học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao giá trị hành nghề để sẵn sàng thương lượng các quyền lợi hợp pháp khi tham gia làm việc.

- Khuyến khích doanh nghiệp chủ động có các chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động trong kế hoạch sử dụng nhân lực dài hạn; thay đổi tư duy về sử dụng nguồn nhân công giá rẻ, thâm dụng lao động để ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, hướng đến người lao động làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, thu hút lao động quay trở lại thị trường lao động sau đại dịch.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn đầu quay lại TP. Hồ Chí Minh làm việc như giới thiệu nơi lưu trú an toàn, hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí vận chuyển, xét nghiệm tầm soát COVID-19, giới thiệu việc làm… Trong thời gian dài, cần quan tâm đến các dịch vụ xã hội như xây dựng nhà ở giá rẻ cho người lao động thuê hoặc mua, chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội. Đây là mối quan tâm hàng đầu của người lao động để có thể yên tâm khi quay trở lại làm việc vì qua đại dịch họ đã cạn kiệt nguồn tài chính, tâm lý bất an khi môi trường sống, môi trường làm việc không ổn định.

- Đối với lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, hỗ trợ người lao động tiếp cận vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ xoá đói giảm nghèo, Tổ chức tài chính vi mô… để chuyển đổi công việc, tự tạo việc làm; thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn và theo thực tế nhu cầu của người lao động và nhu cầu của thị trường.

Thứ tư, thúc đẩy hài hòa quan hệ lao động trong các doanh nghiệp.

- Thúc đẩy các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể để đảm bảo quyền lợi của người lao động được đảm bảo trong quá trình làm việc; đặc biệt là duy trì việc làm, đảm bảo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước kịp thời đến với người lao động.

- Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động khác tại một số nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đối thoại và thương lượng tập thể. Cung cấp sự hỗ trợ về mặt thông tin để các bên có cơ sở tham chiếu trong đối thoại, thương lượng và xác định tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động phù hợp với mặt bằng khu vực và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh công bằng trong thu hút lao động vào làm việc trong doanh nghiệp.

- Vận động, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động thông qua việc tăng cường chế độ phúc lợi cho người lao động và tham gia vào các chương trình phúc lợi do cơ quan tổ chức khác phát động và tổ chức; quan tâm đến người lao động làm công việc giản đơn, lao động ngoại tỉnh làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhằm tạo sự gắn bó lâu dài với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/03/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19;
  2. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19;
  3. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022;
  4. Giang Nam (2023), Kịch bản nào cho thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh năm 2023?, https://nld.com.vn/cong-doan/kich-ban-nao-cho-thi-truong-lao-dong-tp-hcm-nam-2023-20230125122341701.htm.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023