Thị trường nông sản tuần qua: Giá nhiều loại nông sản giảm
Tuần qua, giá lúa nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm nhẹ, trong khi đó, tại thị trường châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua.
Tuần qua (từ ngày 15-20/6), giá lúa nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm nhẹ, từ 100-150 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá càphê cũng diễn ra tình trạng đi xuống, giá tiêu tiếp đà giảm nhưng với tốc độ chậm hơn sau khi lao dốc mạnh vào những tuần trước đó.
Thị trường nông sản trong nước: Xu hướng giảm giá
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, sau một thời gian liên tục tăng, giá nhiều loại lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm 100-150 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tuần.
Giá lúa tươi IR50404 tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long... ở mức 5.200 đồng/kg. Giá nhiều loại lúa tươi hạt dài, như OM 5451, OM 4218, OM 380, OM 18... đang ở mức 5.300-5.700 đồng/kg.
Gần đây, giá gạo xuất khẩu đã chững lại và giảm nhẹ nên nhiều tiểu thương, doanh nghiệp chủ động giảm giá thu mua lúa, gạo nguyên liệu, nhất là đối với các ruộng lúa chưa ký hợp đồng bao tiêu hoặc đặt tiền cọc.
Để hạn chế rủi ro do lúa bị ướt và chất lượng lúa gạo bị giảm, thương lái cũng giảm giá thu mua lúa đối với những diện tích lúa Hè Thu 2020 bị mưa gió làm đổ ngã nhiều hoặc lúc thu hoạch gặp phải trời mưa.
Tuy có giảm nhưng nhìn chung giá nhiều loại lúa vẫn còn ở mức cao hơn 500 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Nông dân sản xuất lúa Hè Thu vẫn đảm bảo có được mức lời khá cao so cùng kỳ nhờ lúa trúng mùa và bán được giá.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Tây Nam Bộ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha. Dù diện tích giảm 68.500ha so với vụ trước, nhưng năng suất đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn.
Tính chung cả nước, 6 tháng đầu năm 2020, ước sản xuất đạt 20,2 triệu tấn lúa, đạt 98,5% so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước, mà còn phục vụ một phần cho xuất khẩu.
Theo Diễn đàn của người làm càphê, giá càphê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên ngày 20/6 ở mức 30.200-30.700 đồng/kg.
Lâm Đồng chốt mức giá thấp nhất, Đắk Lắk ở mức cao nhất; Gia Lai và Đắk Nông có cùng mức giá 30.600 đồng/kg. Như vậy so với cuối tuần trước, giá càphê tại các vùng trọng điểm trên vẫn tiếp tục giảm từ 500-700 đồng/kg.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.295 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 80-100 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Theo các chuyên gia, giá càphê trong nước đi xuống bởi mối lo dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại kết hợp với vụ mùa đang thu hoạch ở Brazil.
Với mặt hàng tiêu, tại Tây Nguyên và miền Nam, ghi nhận một tuần liên tục giảm. Phiên giao dịch gần nhất (ngày 20/6) giá tiêu giảm sâu từ 500-1.000 đồng/kg tại hầu hết các địa phương khác vùng trồng tiêu trọng điểm. Trong khi đó, giá tiêu thế giới đi ngang.
Giá tiêu ngày 20/5 ở mức cao nhất là 52.000 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa-Vũng Tàu, thấp nhất 49.000 đồng tại Đồng Nai và Gia Lai. Giá tiêu tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H’leo) giảm về mức 50.500 đồng/kg.
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, hạt tiêu Kampot (Campuchia) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý bởi Bộ Thương mại Campuchia trong 10 năm qua.
Nhờ mức giá cao cùng với việc đã được đăng ký chỉ dẫn địa lí, loại hạt tiêu này được quan tâm từ người nông dân cũng như các nhà đầu tư trên toàn quốc.
Giá của hạt tiêu được quyết định bởi thị trường. Giá thấp hơn từ nông dân và giá cao hơn trong thị trường bán lẻ quốc tế phụ thuộc vào kỹ thuật kinh doanh cũng như chất lượng, bao bì.
Giá của hạt tiêu không có chỉ dẫn địa lí nhìn chung bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự hỗn loạn của thị trường hiện tại, nhưng hạt tiêu Kampot vẫn không chịu nhiều tác động, cho thấy niềm tin của thị trường vào các sản phẩm chất lượng cao.
Thị trường thế giới: Giá gạo ở mức thấp nhất trong hai tháng qua
Tại thị trường gạo châu Á, trong tuần giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua do đồng rupee yếu đi và nhu cầu giảm sút. Trong khi đó, nguồn cung ngày càng tăng - do hoạt động thu hoạch đang diễn ra - đã gây sức ép lên giá gạo Việt Nam.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống 366-372 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3, so với mức 368-373 USD/tấn trong tuần trước.
Đồng rupee đã giảm hơn 6% giá trị. Ngoài ra, sản lượng gạo của Ấn Độ có thể tăng lên mức cao kỷ lục, trong bối cảnh người nông dân đang mở rộng diện tích trồng lúa do thời tiết thuận lợi.
Trong khi đó, nhu cầu gạo Việt Nam giảm. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tháng là 450 USD/tấn. Nông sản này đã chạm mức cao nhất của 8 năm là 475 USD/tấn hôm 4/6, do thời tiết mưa ảnh hưởng đến việc thu hoạch.
Nguồn cung ứng trong nước cũng đang tăng lên do thu hoạch vụ Hè Thu. Ngoài ra, Việt Nam có thể xuất khẩu 2,3-2,5 triệu tấn gạo từ vụ thu hoạch này sau khi đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 505-525 USD/tấn trong ngày 18/6 so với mức 505-533 USD/tấn trong tuần trước, trong bối cảnh các nhà giao dịch cho rằng đồng baht mạnh lên là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm này.
Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các loại nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) giao dịch ngược chiều nhau trong phiên ngày 19/6, trong đó giá ngô và đậu tương tăng, còn giá lúa mỳ giảm.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 7/2020 tăng 1,5 xu Mỹ (tương đương 0,45%) lên 3,325 USD/bushel, giá đậu tương giao tháng 7/2020 tăng 3,5 xu Mỹ (0,4%) lên 8,765 USD/bushel.
Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 9/2020 giảm 3,5 xu Mỹ (0,72%) xuống 4,8525 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg)
Các nhà môi giới trên sàn CBOT ước tính các quỹ đã mua 1.300 hợp đồng ngô và 1.200 hợp đồng đậu tương, trong khi bán ra 4.600 hợp đồng lúa mỳ.
Những bất ổn và quan ngại về nhu cầu ngũ cốc Mỹ của Trung Quốc, cùng với mô hình thời tiết của khu vực trung tâm Mỹ trong tháng Bảy đã khiến giá nông sản trên sàn CBOT dao động.
Có những đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm cấp giấy phép nhập khẩu hạn ngạch thuế quan (TRQ) bổ sung cho ngô/lúa mỳ trong những ngày tới.
Theo công ty tư vấn có trụ sở tại Chicago AgResource, động thái này của Trung Quốc có thể không làm thay đổi xu hướng cơ bản, song nó có thể mang lại sự phục hồi cho thị trường hàng hóa CBOT.
Ngoài ra, Brazil đã thu hoạch 8% vụ ngô Đông, sớm hơn 1% so với mức trung bình của 5 năm, nhưng chậm hơn so với tiến độ thu hoạch trong năm 2019.
Về càphê, giá càphê Arabica ở New York trở lại mức thấp nhất từ tháng 10/2019, trong khi giá càphê Robusta tại London cũng suy giảm theo vì tác động liên thông giữa hai thị trường càphê.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta giao tháng 9/2020 trên sàn ICE Europe-London đảo chiều tăng 11 USD, lên 1.175 USD/tấn.
Trong khi đó, giá càphê Arabica giao tháng 9/2020 trên sàn ICE US-New York tiếp tục sụt giảm, giảm thêm 0,85 cent, xuống 95,9 xu Mỹ/lb (1 lb=0,454 kg).
Việc giá càphê Arabica trên sàn New York quay lại mức thấp không nằm ngoài suy đoán của thị trường khi nguồn cung dồi dào do Brazil đang thu hoạch vụ mới, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm vì các biện pháp cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19.