Đâu là chìa khóa thích ứng của nông sản Việt hậu COVID-19?
Đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa là một trong những hướng đi được kì vọng sẽ giúp ngành nông sản phục hồi sau đại dịch và hướng đến mục tiêu Top 10 thế giới về chế biến nông sản.
Vẫn còn nhiều rào cản
Tại Toạ đàm trực tuyến “Chế biến nông sản thích ứng hội nhập giai đoạn mới” diễn ra ngày 12/5, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết dù mới chỉ diễn ra tầm 4 tháng nhưng dịch COVID- 19 đã tác động rất mạnh đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông sản nói riêng.
Theo số liệu từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của nước ta chỉ đạt gần 2,9 tỉ USD. Tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 của ngành nông nghiệp vì thế chỉ đạt hơn 12 tỉ USD, giảm 4% so với cùng kì năm 2019.
Riêng trong 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản nói chung giảm 4,3% so với 3 tháng của năm ngoái.
Nguyên nhân ngành nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập sâu, mọi sự thay đổi của thị trường sẽ đều tác động trực tiếp vào doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu thô các loại nông sản, chưa chú trọng thị trường nội địa và những sản phẩm chế biến nên giá trị gia tăng không cao.
Cũng theo ông Toản, hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất với tỉ trọng khoảng 25% , Mỹ đứng thứ hai với 24%, châu Âu khoảng 12%,… đây đều là những trục kinh tế lớn nhưng dịch COVID-19 đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng.
"Đối với Việt Nam, kể cả khi chúng ta khống chế thành công dịch thì vẫn bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác chưa khắc phục được", ông Toản nói.
Bên cạnh đó, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, CEO Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng với tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiện nay vừa là cái rủi nhưng cũng lại là cái may đối với các doanh nghiệp. Bởi nó giúp chúng ta thấy nông nghiệp chính là nền tảng đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới” vào năm 2030, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm.
Tuy nhiên, ông Hùng chỉ ra một số hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam đó là chưa chú trọng về thương hiệu, nên chưa chú trọng về chất lượng sản phẩm, không đầu tư cho hệ thống máy móc chế biến, những tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn Global GAP.
Đồng quan điểm, GS., TS. Bùi Chí Bửu nhận xét rằng, Việt Nam phát triển rất tốt về khâu sản xuất nên năng suất phát triển rất nhanh.
Tuy nhiên, về công nghệ chế biến, chúng ta gặp bất cập về nguyên liệu, nhà máy, công nghệ chế biến chưa được hợp lý. Trong khi Thủ tướng yêu cầu đến năm 2030 công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 7-10% thì hiện nay chúng ta đã đạt được 5%.
"Có thể thấy chiều sâu của chúng ta về khoa học còn rất yếu, về công nghiệp chế biến chúng ta đầu tư rất khiêm tốn, do vậy đó là nhược điểm khi mà chúng ta muốn đạt được tốc độ cao.
Một nghịch lý nữa là chúng ta xuất khẩu lúa đứng thứ nhì thế giới nhưng bà con nông dân còn rất nghèo. Do đó, việc đầu tư công nghệ, doanh nghiệp chỉ là chia sẻ phần nào thôi còn nhà nước vẫn phải đầu tư lớn, như vậy mới giải quyết được vấn đề này", ông Bửu nói.
Ngoài ra, một rào cản khác đối với sự phát triển của ngành nông sản hiện này được cho là việc chủ yếu xuất khẩu thô trong khi sản phẩm chế biến mới mang lại giá trị gia tăng cao.
“Tôi có xem một phóng sự nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đang khó khăn về tiêu thụ. Hiện nay, cà phê chúng ta 100% xuất thô, mà xuất thô thì gần như người nông dân không được lợi, vậy thì để nâng được giá trị lên chúng ta phải đầu tư cơ giới hóa vào khâu chế.
Nếu chỉ xuất khẩu cà phê thô thì các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng lòng vòng, chỉ mãi xuất khẩu thô", ông Nguyễn Ngọc Luận, Founder Café trái cây Meet More, Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia chia sẻ.
Áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, chế biến nông sản
Trước thực tế hiện nay của ngành nông sản, ông Nguyễn Ngọc Luận, cho rằng, để doanh nghiệp phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp phải phát triển thương hiệu.
Đặc biệt hướng đi mới cho các doanh nghiệp là nên chế biến sản phẩm để các sản phẩm tìm được chỗ đứng trên thị trường và hướng đi cho xuất khẩu.
"Đầu tư cho công nghệ, đi theo hướng đi mới hoàn toàn là điều mà các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam cần nghiên cứu và đầu tư ngay", ông Luận nói.
Đây cũng là quan điểm của CEO Tập đoàn Hùng Nhơn khi cho rằng doanh nghiệp cần nắm được những tiêu chuẩn cũng như những thuận lợi và rào cản.
Đặc biệt, cần áp dụng công nghệ 4.0, phân tích những thuận lợi, khó khăn, làm sao để đi trước đón đầu, nắm được những chính sách để tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp. Khi vượt qua được rào cản thì sẽ có cơ hội phát triển, liên kết với một số tập đoàn nước ngoài và đầu tư cho những công nghệ hiện đại.
Ông cũng kiến nghị nhà nước và các địa phương cải cách những chính sách để phát triển nông nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nói riêng.
Trong khi đó GS.,TS. Bùi Chí Bửu cho hay, hiện nay có rất nhiều chính sách nhưng đầu tư cho công nghệ là chính sách cần làm ngay để tăng khả năng cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt cho nông sản Việt Nam.
Và sự khác biệt đó đến từ công nghệ hiện đại. Chính phủ nên có những chính sách để khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ.
Ngoài ra theo ông Nguyễn Quốc Toản, để nâng giá thành sản phẩm cần nâng cao chất lượng nông sản.
Cần rà soát những khâu đầu vào các sản phẩm nông sản, cũng như chi phí logistics của xuất khẩu nông sản, đặc biệt là chi phí về điện, vận tải, nhất là chi phí vận tải đường hàng không còn rất cao.
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến tín dụng cho nông nghiệp, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho người nông dân và doanh nghiệp chế biến, đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.