Thị trường ra sao khi Grab, Uber về “chung một nhà”

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Đối thủ lớn nhất – Uber đã chính thức bị thâu tóm, Grab giờ đây đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và gần đến độc quyền, người tiêu dùng có thể sẽ phải chấp nhận không còn giá ưu đãi nào mà Grab đưa ra, hoặc dựa vào tiềm lực tài chính mạnh khiến họ có thể sử dụng chiến lược giá “hủy diệt”, điều này sẽ rất nguy hiểm với doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống.

Từ ngày 8/4, Uber sẽ chuyển sang Grab, riêng Uber Eats (dịch vụ giao nhận thức ăn) sẽ tiếp tục hoạt động đến cuối tháng 5/2018, sau đó các đối tác giao nhận và nhà hàng của Uber sẽ chuyển qua nền tảng GrabFood.
Từ ngày 8/4, Uber sẽ chuyển sang Grab, riêng Uber Eats (dịch vụ giao nhận thức ăn) sẽ tiếp tục hoạt động đến cuối tháng 5/2018, sau đó các đối tác giao nhận và nhà hàng của Uber sẽ chuyển qua nền tảng GrabFood.

Ngày 26/3, Grab chính thức phát đi thông báo hoàn tất việc mua Uber tại Đông Nam Á, trung tâm hỗ trợ đối tác lớn nhất Việt Nam của Uber – Greenlight Hub tại Hà Nội đã đóng cửa khiến nhiều người bất ngờ.

Lo Grab “độc diễn” 

Dù làm nhà quản lý đau đầu và đến nay vẫn đang còn nhiều tranh cãi xung quanh việc quản lý loại hình taxi công nghệ này như thế nào, song có một điều không thể phủ nhận là từ khi Uber, Grab xuất hiện trên thị trường đã thay đổi thói quen đi lại của nhiều người Việt. 

Khách hàng được trải nghiệm loại hình taxi mới mẻ, văn minh, giá cước rẻ hơn taxi truyền thống, chưa kể các đợt khuyến mãi giảm giá cước liên tục được hai hãng tung ra.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng của Uber, Grab đang lo lắng sắp tới sẽ phải sử dụng dịch vụ này với giá ngang bằng với taxi truyền thống.

Chị Bùi Lan Anh (làm việc ở một đài truyền hình tại Hà Nội) thường xuyên sử dụng Grab hoặc Uber cho các chuyến đi hàng ngày của mình trong nội thành.

Tin tức Uber đã bị bán cho đối thủ lớn nhất của mình là Grab khiến chị Lan Anh lo ngại rằng người tiêu dùng có thể sẽ bị thua thiệt do không được hưởng những chính sách khuyến mãi như trước đây nữa.

Dù sử dụng ô tô làm phương tiện đi làm hàng ngày, nhưng mỗi khi Uber hoặc Grab có khuyến mãi, chị Nguyễn Thu Hoài lại cất xe ở nhà để đi Uber hoặc Grab. 

“Quãng đường di chuyển từ nhà đến cơ quan khoảng 4km, nếu đi Grab hay Uber có khuyến mãi sẽ được giảm giá ít nhất là 30.000 đồng, tôi chỉ trả cước có 10.000 đồng, thậm chí có đợt khuyến mãi “sâu” lên đến 50.000 đồng thì không phải trả tiền. 

Bên cạnh đó, nếu đi xe cá nhân còn mất tiền gửi xe mỗi ngày 30.000 đồng. Tuy nhiên, khi không còn đối thủ cạnh tranh, liệu Grab còn áp dụng các chương trình khuyến mãi thường xuyên như hiện nay nữa không?”, chị Hoài băn khoăn.

Thực tế, không phải khách hàng là người duy nhất lo lắng về việc thiếu cạnh tranh sẽ ảnh hưởng đến dịch vụ Grab đang cung cấp cho người tiêu dùng. 

Cạnh tranh sẽ vẫn còn

Đại diện Hiệp hội người tiêu dùng chia sẻ: Tiếp quản các hoạt động của Uber trong khu vực sẽ nắm thế độc quyền trên thị trường, không còn lý do gì để Grab khuyến mãi mạnh tay, bởi không còn đối thủ cạnh tranh trực tiếp. 

“Dịch vụ tương đối rẻ mà người Việt đang được hưởng có thể trở nên đắt đỏ, đặc biệt, nếu dịch vụ taxi truyền thống của chúng ta bị loại ra”, vị này nói.

Đánh giá về việc thị trường không còn sự hiện diện của Uber, theo ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc công ty Vinasun, điều này sẽ càng nguy hiểm hơn vì giờ đây Grab đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và đi gần đến độc quyền. Grab có tiềm lực tài chính mạnh khiến họ có thể sử dụng chiến lược giá “hủy diệt”, rất nguy hiểm với DN Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright, cũng cho rằng nếu lợi dụng vị thế tạm thời độc quyền mà Grab tăng phí thì người đi xe sẽ sử dụng phương tiện thay thế khác. Khi đó, thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng tối ưu.

Ngoài ra, một số ý kiến nhận định Grab đang chiếm lĩnh thị phần bằng cước giá rẻ, do vậy không dại gì họ không tiếp tục áp dụng chính sách này. Thậm chí, họ còn có tham vọng mở rộng thị phần hơn nữa, trong khi các hãng taxi truyền thống vẫn là đối thủ “đáng gờm” của họ. Vì thế, thời gian tới, Grab phải còn cạnh tranh quyết liệt hơn.

Chưa kể, nếu nhìn thấy Grab có lợi nhuận cao sẽ kích thích các nhà đầu tư gia nhập ngành, khi ấy cạnh tranh sẽ trở lại, từ đó sẽ phá vỡ thế độc quyền. Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là Chính phủ cần khuyến khích thêm nhiều DN tham gia thị trường thông qua các biện pháp ưu đãi hoặc loại bỏ những rào cản pháp lý không cần thiết.

Đại diện cho DN taxi truyền thống, ông Quý lạc quan cho rằng nếu Dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định số 86 đang lấy ý kiến được thông qua sẽ “cởi trói” cho các hãng taxi truyền thống. 

“Thời gian qua, DN khó khăn là vì điều kiện kinh doanh bất bình đẳng. Khi được “cởi trói” khỏi những điều kiện này thì DN Việt bằng trí tuệ của mình đủ khả năng để đối đầu với các hãng taxi công nghệ như Grab”, ông Quý nói.