Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro
Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các ngân hàng yếu kém còn rất chậm.
Tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV sáng 23/10, thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược”.
Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.
Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7 đã vượt mức 3% (3,56%). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2023 là 5,22%.
Trong khi đó, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022.
Trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ, giải pháp tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, tiếp cận vốn tín dụng; điều hành hợp lý tỷ giá, lãi suất…
Theo Ủy ban Kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn tiềm ẩn rủi ro khi lạm phát đã có dấu hiệu đảo chiều trong 3 tháng gần đây (chỉ số giá tiêu dùng tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 2,06%, 2,96% và 3,6% so với cùng kỳ), tỷ giá có những biến động khá mạnh trong tháng 8, tháng 9. Tỷ giá ngày 28/9/2023 tăng 3,58% so với thời điểm đầu năm.
Lạm phát cơ bản 9 tháng là 4,49%, cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể sẽ ảnh hưởng đến không gian chính sách tiền tệ, hạn chế việc tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam giảm trong khi lãi suất tại Mỹ vẫn cao, tạo áp lực lớn lên tỷ giá.
Đặc biệt, báo cáo của Ủy ban kinh tế nhấn mạnh, doanh nghiệp hiện còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao... Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động.
Nhận định năm 2024, tình hình thế giới dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như báo cáo của Chính phủ.