Cổ phần hóa doanh nghiệp gặp khó do vướng mắc liên quan đến xác định giá trị đất đai

Thanh Sơn

Sáng 12/5, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cùng các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo "Khai thác nguồn lực tài chính từ đất, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản". Hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến của nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các định chế tài chính thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra, giúp thị trường bất động sản (BĐS) phát triển bền vững.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TM
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TM

Chia sẻ thông tin tại hội thảo “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản” diễn ra ngày 12/5, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 cả nước đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. 

Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm, việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn là do vướng mắc về đến đất đai liên quan đến việc xác định giá trị đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn DNNN. Các DNNN đang được Nhà nước giao quyền sử dụng và quản lý một diện tích rất lớn đất đai, nhà và công trình trên đất trên khắp cả nước; đa phần nằm ở các vị trí đắc địa có giá trị rất lớn, hiệu quả sử dụng lại không cao.

Do đất đai mang tính cụ thể cao nên giá giao dịch trên thị trường của mỗi thửa đất có sự khác biệt nhất định. Ở nước ta, hiện nay tồn tại hai giá đất: giá nhà nước và giá thị trường. Việc tồn tại hai giá đất là một tất yếu khách quan và Nhà nước sẽ định hướng giá đất theo một trong các cơ chế: Bám sát giá đất thị trường theo hướng “nước nổi, bèo nổi”; bám sát giá đất thị trường nhưng giá đất nhà nước quy định luôn giữ một khoảng cách nhất định với giá thị trường; phục vụ chính sách quản lý của Nhà nước và thoát ly giá đất thị trường.

Theo ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, việc xác định giá giao dịch mua bán nhà, đất thực tế trên thị trường vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ ấn định thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ (nếu giá kê khai, giá theo hợp đồng công chứng thấp hơn giá giao dịch thực tế). Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc xác định được giá giao dịch thực tế của từng hồ sơ.

Trên thực tiễn vẫn tồn tại sự chênh lệch lớn giữa giá đất nhà nước so với giá đất thị trường. Việc xác định giá trị đất đai không chính xác đã gây thất thoát vốn nhà nước hàng nghìn tỷ đồng trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Theo Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định tăng giá trị phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thêm gần 15.500 tỷ đồng. Trong đó, một phần lớn số tiền chưa được tính đúng tính đủ là từ đất đai.

Theo TS. Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách cần thực hiện nhất quán theo nguyên tắc chung nhất là cân đối hài hòa lợi ích giữa 3 bên là: Nhà nước - Nhà đầu tư và người dân. Đây là nguyên tắc cần quán triệt khi xây dựng các quy định về tài chính đất đai sắp tới. Đối với vấn đề sửa đổi, điều chỉnh về định giá đất cũng như phạm vi áp dụng, ông Tân cho rằng, cần ban hành quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập, tránh tình trạng chỉ có tổ chức nhà nước đứng ra định giá.

Vấn đề nóng nhất được quan tâm vẫn là tránh thất thoát tài sản Nhà nước chính là đất đai. Các sai phạm trong xác định giá trị đất đai thể hiện ở nhiều hình thức như: Lách luật, tách lô đất lớn thành nhiều thửa có giá trị dưới 10 tỷ đồng để cho thuê đất theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành thay vì đấu thầu theo quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, giá tính thuế đối với chuyển nhượng BĐS cần phải nghiên cứu sửa đổi phù hợp, trên cơ sở giá chuyển nhượng thực tế. Tránh tình trạng làm hai hợp đồng khi chuyển nhượng để giảm nghĩa vụ, thậm chí trốn thuế. Hiện nay, chúng ta đang hướng tới Chính phủ điện tử, kho cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế cũng như các cơ quan hữu quan ngày càng được hoàn thiện, dữ liệu về giá BĐS được công khai, dễ kết nối tra cứu.. Do vậy, cần quy định nguyên tắc giá giao dịch theo giá thị trường để tính thuế, không chỉ phụ thuộc và giá hợp đồng mua bán hoặc giá do UBND tỉnh, thành công bố, nhằm khắc phục tình trạng thất thu thuế, lạm thu như hiện nay đang tương đối phổ biến.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, đối với việc thu ngân sách nhà nước từ BĐS, chính sách cần có những điều tiết hợp lý, làm sao để đất đai trở thành nguồn nội lực cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo thông tin có được, đã có khoảng 30.000 trường hợp đã phải rà soát lại về việc kê khai chuyển nhượng BĐS.

Hội thảo cũng ghi nhận một số ý kiến của chuyên gia trong việc đưa đất đai trở thành nguồn nội lực quan trọng trong phát triển kinh tế.