“Đau đầu” vì bị nhái tên dự án, thương hiệu

Theo vnexpress.net

Hưng Thịnh Corp, Tập đoàn Đại Phúc, Him Lam Land… đều đang bị “nhái” tên dự án, thương hiệu hoặc đặt tên tương tự, khiến không ít khách hàng nhầm lẫn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhái tên dự án, doanh nghiệp

Mới đây, Công ty CP Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp) đưa ra thông báo: Dự án Biên Hòa New City của Công ty bị nhái thương hiệu. Cụ thể, cuối năm 2018, Hưng Thịnh Corp mở bán Dự án Biên Hòa New City tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Dự án rộng 119 ha với 3.626 lô nhà phố, biệt thự.

Mới đây, thị trường bất động sản TP.HCM và Đồng Nai lại xuất hiện thông tin chào bán từ các nhân viên môi giới địa ốc về một dự án mang tên Biên Hòa New City 2. Dự án này cũng đặt tại TP. Biên Hòa, nhưng chỉ rộng 4 ha với 300 nền đất phân lô, diện tích 120 m2/nền, do Công ty CP Đầu tư Mekong Nam Á phát triển. Đây là doanh nghiệp môi giới vừa thành lập tháng 3/2019, lĩnh vực hoạt động đăng ký kinh doanh là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất, không có lĩnh vực phát triển dự án.

Việc đặt tên dự án là Biên Hòa New City 2 đã khiến nhiều khách hàng nhầm tưởng đây là dự án mới của Hưng Thịnh Corp.

Không chỉ bị nhái tên dự án, Hưng Thịnh Corp còn đang “đau đầu” vì bị nhái cả tên công ty. Năm 2018, thị trường bất động sản tỉnh Long An xuất hiện dự án mang tên Hưng Thịnh Cát Tường, do Công ty CP Bất động sản Hưng Thịnh đứng tên pháp lý phát triển dự án.

Sau khi mở bán, Dự án Hưng Thịnh Cát Tường đã bị chính quyền xử phạt vì không được cấp phép. Do cũng có một công ty con có tên giống như tên chủ dự án này, mà Hưng Thịnh Corp đã bị hiểu lầm, thậm chí, một số khách hàng còn tìm tới Hưng Thịnh Corp để đòi lại tiền mua đất Dự án Hưng Thịnh Cát Tường ở Long An.

Cùng với Hưng Thịnh Corp, tại TP.HCM còn có hàng loạt chủ đầu tư lớn đang bị nhái thương hiệu, dự án. Him Lam Land với Dự án Khu dân cư Him Lam tại quận 7 (TP.HCM) bị nhái bằng dự án phân lô, bán nền tại huyện Bình Chánh mang tên Khu dân cư Him Lam 2.

Tập đoàn Đại Phúc cũng bị dân môi giới lấy “mác” Dự án Van Phuc City (dự án tại quận Thủ Đức của Đại Phúc) để chào mời cho một dự án “ma” tại Bình Dương, cách đó không xa.

Gần đây nhất, Tập đoàn Vingroup cũng bị nhái thương hiệu khi dân môi giới vẽ ra một dự án tại Bình Dương mang tên chủ đầu tư là Vingroup để chào bán cho khách hàng, nhưng thực tế đây chỉ là dự án khu dân cư phân lô bán nền nhỏ, không hề liên quan tới Vingroup…

Khó xử lý khi bị nhái thương hiệu

Nhận xét về tình trạng nhái thương hiệu, dự án trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho rằng, hiện tượng này đang khá phổ biến và chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp môi giới nhỏ, năng lực hạn chế. “Họ không khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm hay xây dựng tên tuổi doanh nghiệp của mình, mà phải “dựa hơi” những “ông lớn” trên thị trường bất động sản để bán hàng. Điều này không chỉ cho gây tổn thất cho doanh nghiệp bị nhái thương hiệu, mà còn khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững”, ông Hậu nói.

Trước thực trạng này, nhìn từ góc độ luật pháp, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, theo Luật Cạnh tranh, tên các công ty không được trùng nhau, nhưng vẫn có thể đặt gần giống nhau ở phần tên đệm; còn đối với dự án, Luật Nhà ở năm 2014 quy định, dự án phải có tên pháp lý, nhưng trên thực tế, một số doanh nghiệp chỉ ghi tên pháp lý của dự án trong hợp đồng mua bán và dùng tên thương mại của dự án để quảng cáo sản phẩm.

“Hầu hết các dự án đều được đặt tên thương mại. Vì vậy, một số doanh nghiệp đã dùng tên thương mại của các dự án lớn để đặt cho dự án của mình, khiến nhiều khách hàng nhầm lẫn. Với trường hợp này, nếu chủ dự án đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho tên thương mại của dự án, thì có thể kiện doanh nghiệp nhái tên dự án theo Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định lên quan. Còn nếu không đăng ký, thì có thể áp dụng quy định về cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh, nhưng phải chứng minh được việc nhái tên dự án có liên quan tới nhau như trùng địa bàn của dự án phát triển, hoặc tên tương tự nhau…”, luật sư Phượng phân tích.

Về cách xử lý khi bị nhái thương hiệu dự án bất động sản, theo các chuyên gia pháp lý, doanh nghiệp nên nộp đơn ra Hội đồng Xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu các doanh nghiệp nhái thương hiệu phải cải chính, xin lỗi và bồi thường bằng tài chính.

Một lãnh đạo đại diện Hưng Thịnh Corp cho biết, khi gặp tình huống bị nhái thương hiệu, trước tiên, Hưng Thịnh Corp sẽ công bố trên website của Công ty để khách hàng biết thông tin; tiếp đó, sẽ làm việc với luật sư để xem xét khởi kiện vì hành vi nhái thương hiệu đã gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với trường hợp bị nhái tên Dự án Biên Hòa New City, Hưng Thịnh Corp đang xem xét các vấn đề liên quan và đưa ra hình thức xử lý để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng.