Hà Nội: Diện tích mặt bằng bán lẻ, cho thuê tăng mạnh trong quý II/2018

Theo Dịch Phong/baoxaydung.com.vn

Sự xuất hiện của 2 trung tâm thương mại Machinco và Trương Định Plaza đã góp phần tăng tổng diện tích bán lẻ cho thuê ở Hà Nội lên gần 820.000m2 trong quý II/2018.

Thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đang có rất nhiều cơ hội để mở rộng phát triển. Nguồn: Internet
Thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đang có rất nhiều cơ hội để mở rộng phát triển. Nguồn: Internet

Theo điều tra của Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, các khu vực Đống Đa, Ba Đình và khu phía Tây tiếp tục chiếm lĩnh thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội với hơn 50% tổng diện tích cho thuê trên toàn thành phố. Xu hướng này sẽ còn được duy trì đến hết năm 2018 khi 5/6 trung tâm thương mại mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động tại khu vực này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trong khu vực trung tâm thành phố sẽ tăng nhẹ do không có thêm nguồn cung mới. Tính đến hết quý II/2018, giá thuê mặt bằng ở khu vực trung tâm đạt gần 99 USD/m2/tháng, tăng 0,8% theo năm và 0,4% theo quý. Trong khi đó, tỷ lệ trống ở khu vực này đã giảm xuống 0,7%, thấp hơn 1.2 điểm% so với cùng kỳ năm ngoái và 1.1 điểm% so với quý trước.

Hà Nội: Diện tích mặt bằng bán lẻ, cho thuê tăng mạnh trong quý II/2018 - Ảnh 1
Giá chào thuê mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội trong quý II/2018. (Nguồn: CBRE Việt Nam)

Trước áp lực từ nguồn cung mới trong năm 2018, khu vực ngoài trung tâm TP. Hà Nội sẽ có sự điều chỉnh giữa tỷ lệ trống và giá chào thuê. Khu Đống Đa, Ba Đình và phía Tây là địa điểm tập trung phần lớn mặt bằng bán lẻ có giá chào thuê đạt 28,7 USD/m2/tháng, giảm 0,3% theo năm, nhưng tăng 1,1% theo quý.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trống tại các khu vực ngoài trung tâm đều tăng với áp lực nhiều nguồn cung mới tính đến hết năm 2018. Trong đó, tỷ lệ trống ở khu Đống Đa, Ba Đình và phía Tây hiện đạt 14,4%, các khu vực ngoài trung tâm khác cũng đạt 5,8%.

Việc nhiều hãng bán lẻ quốc tế mở rộng và phát triển kinh doanh ở thị trường Việt Nam cũng sẽ góp phần gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy các nhà bán lẻ nội địa cải thiện sản phẩm và hoạt động bán hàng.

Riêng tại thị trường Hà Nội chuỗi bán lẻ H&M đã mở rộng địa bàn kinh doanh, và một số thương hiệu bán lẻ mới như Xiaomi, Lyn... cũng đã xâm nhập vào thị trường Thủ đô, hướng tới người tiêu dùng trẻ tuổi.

Mặt khác, sự hình thành và phát triển của các dự án nhà ở tại các khu vực mới, mở rộng các khu vực đông dân cư cũng sẽ tạo điều kiện và nhu cầu cần thiết cho phát triển mặt bằng bán lẻ tại các khu vực này.

Trong tương lai, sự phát triển khả quan về kinh tế và mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng với thêm nhiều nhãn hàng quốc tế mới và mở rộng vào thị trường.

Mô hình sảnh bán lẻ trong các tòa nhà chung cư, văn phòng và thương mại khác sẽ tiếp tục phổ biến nhờ thu hút nguồn khách trực tiếp trong tòa nhà và góp phần tăng tiện ích cho dự án.