Ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản năm 2021

Hoa Sơn

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản có thể dự báo thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xuất hiện tình trạng giá tăng cao bất thường tại một số khu vực

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, từ đầu năm 2020, trước tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sự ổn định, giảm thiểu thiệt hại và chuẩn bị các yếu tố phát triển mới cả về thể chế và yếu tố thị trường. Nhờ đó, nhìn chung thị trường bất động sản đã không xảy ra trạng thái cực đoan lớn.

Cùng với đó, chính sách tín dụng bất động sản được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát hiệu quả, dư nợ tín dụng đang ở mức cho phép, lãi suất được duy trì tương đối ổn định, cung cấp tín dụng có kiểm soát đối với các phân khúc bất động sản cao cấp, tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, phân khúc nhà ở xã hội cũng được ưu tiên cấp tín dụng một cách hợp lý.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp nhưng tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản theo thống kê vẫn tăng trưởng và không có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư đột biến khác. Theo thống kê, trong quý I/2020, dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản chỉ đạt 526,396 tỷ đồng thì đến quý II con số này đã tăng lên 580,186 tỷ đồng. Quý III là 606,253 và quý IV là 633,470 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá nhà - đất tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng trong quý III và IV/2020. Không chỉ giá tăng tại các dự án do các chủ đầu tư lớn xây dựng, mà giá nhà đất tại các làng xóm ven đô cũng tăng, bất chấp dịch. Tại một số địa phương, xuất hiện tình trạng người đi mua đất, bán đất. Chỉ ngày hôm trước, hôm sau mà vẫn mảnh đất đó có thể tăng từ 1,5-2 triệu đồng/m2, giá đất nhiều khu vực đã bị đẩy cao một cách bất thường...

Giá bất động sản năm 2021 sẽ ra sao?

Theo các chuyên gia bất động sản, trong thời gian tới, không thể loại bỏ khả năng thị trường trong năm tới có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, thị trường cũng có thể sụt giảm ở một số phân khúc do không có các giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho một số dự án bất động sản.

Cụ thể, dự báo của các chuyên gia bất động sản cho thấy, 2021 sẽ là năm bứt phá mạnh mẽ cả về nguồn cung và cầu của bất động sản công nghiệp. Theo đó, bất động sản khu công nghiệp đang là một điểm sáng nhờ ưu thế từ Hiệp định thương mại tự do, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Các khu công nghiệp đã được quy hoạch dự kiến sẽ là những đối tượng thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Trong khi đó, phân khúc Condotel lại có thể tiếp tục lại thêm một năm “kinh tế buồn” giống năm 2020 do tác động của khung pháp lý, sự thất hứa của một số chủ đầu tư kinh doanh không hiệu quả cộng hưởng với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...

Về giá bất động sản, giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với năm 2020. Tại TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá  vẫn có chiều hướng tăng, chủ yếu là khu vực thành phố Thủ Đức. Dự báo, giá có thể tăng khoảng 5-10% so với năm 2020. Tại các tỉnh, thành phố khác, cơ bản đều có mức tăng giá bất động sản ở mức 5-7% so với 2020. Một số địa phương có thể tăng mạnh hơn, đạt trên 10% như: Đồng Nai, Bình Dương, TP. Phú Quốc, Vân Đồn và Móng Cái (Quảng Ninh)...

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, về cuối năm, có thể nguồn cung tăng mạnh, giới đầu tư F0 sẽ rút khỏi thị trường nhiều, các nhà đầu cơ xả hàng mạnh. Thời điểm này, giá có thể sẽ chững lại, thậm chí bị áp lực giảm giá nhưng trong năm 2021 sẽ chưa xuất hiện giảm giá.

Ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản

Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản dự báo, năm 2021 khó có thể xảy ra nguy cơ bóng bóng bất động sản vì kinh tế tăng trưởng ở mức tốt, lực cầu vẫn mạnh và giá có thể kiểm soát được.

Chia sẻ quan điểm này, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, kinh nghiệm của các nước và Việt Nam cho thấy thị trường bất động sản thường chỉ xảy ra phát triển quá nóng, “bong bóng” khi có đồng thời hoặc phần lớn các yếu tố sau: Do kinh tế vĩ mô không ổn định, tăng trưởng nóng; Các thị trường đầu tư khác không ổn định, kém hấp dẫn; Nguồn cung các loại sản phẩm bất động sản bị hạn chế, quá thiếu so với nhu cầu; Chính sách tài chính, tín dụng bất động sản bị buông lỏng, chuẩn tín dụng bị hạ thấp; nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản quá lớn; Thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước vào thị trường.

Trên cơ sở đánh giá, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, cho rằng, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản như trên có thể dự báo thị trường bất động sản trong thời gian tới ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản.

Được biết, hiện nay Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản để kịp thời ngăn chặn, không để thị trường bất động sản xảy ra tình trạng "sốt nóng". Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, thông qua đổi mới, bổ sung cơ chế chính sách, công cụ quản lý để thị trường cân bằng các phân khúc, không lệch pha cung cầu.