Khối ngoại bán ròng: Hãy xem đây là cơ hội

Theo Thành Nam (ĐTCK)

Hầu hết công ty chứng khoán (CTCK) khuyên nhà đầu tư trong nước không nên quá lo lắng về việc bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong các phiên gần đây.

Theo tìm hiểu ở một số CTCK có thị phần môi giới nước ngoài lớn thì nhà ĐTNN đóng vai trò là môi giới, nhận đầu tư ủy thác bán nhiều hơn là các quỹ đóng tại Việt Nam. Sau khi bán, động thái rút tiền chuyển về nước hay tiếp tục đầu tư giá xuống trên thị trường vẫn còn bỏ ngỏ.

Một môi giới cho biết, tâm lý nhà ĐTNN cũng như nhà đầu tư trong nước, khi thị trường cả thế giới có vấn đề họ đều muốn bán tài sản để giữ tiền mặt, cổ phiếu hay vàng đều bị đẩy ra.

Một môi giới khác cho biết, nhà ĐTNN cũng lướt sóng như nhà đầu tư trong nước. Trong xu hướng bán của khối này hiện nay, nhà đầu tư trong nước nên thận trọng. Tuy nhiên, khi thị trường đi xuống thì cơ hội dành cho tất cả nhà đầu tư.

Câu hỏi liệu nhà ĐTNN có rút tiền về nước hay không được trả lời bằng một câu hỏi "rút tiền khỏi Việt Nam thì đi đâu?", trừ khi nhà đầu tư ở nước ngoài thật sự gặp khó khăn về tài chính.

Bởi cho đến nay, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tốt ở châu Á với chỉ số giá/thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) trung bình thị trường trong tuần trước ngang bằng với thị trường Singapore và Malaysia.

Trong khi đó, Việt Nam lại có lợi thế về sự ổn định chính trị và sức bật của nền kinh tế tốt, khi tăng trưởng trong những năm qua luôn ở mức cao hàng đầu trong khu vực.

Trái với sự lo lắng của các nhà đầu tư cá nhân về việc nhà ĐTNN bán ra quá nhiều, ông Trần Đình Phong, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDS có quan điểm lạc quan hơn. Theo ông, không nên lo lắng khối ngoại có bán hay không, giả sử họ có bán hết số cổ phiếu đang nắm giữ trên thị trường niêm yết hiện nay khoảng 20% giá trị thị trường thì nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có khả năng hấp thụ.

Ông Phong cho rằng, đối với cổ phiếu DN thật sự tốt, nhà đầu tư có thể mua dần vào bởi khi làn sóng bán ròng suy yếu, nhà ĐTNN thường có xu hướng mua "một cục" giúp giá cổ phiếu phục hồi.

Có thể quan sát được diễn biến này đối với giao dịch một vài cổ phiếu trên thị trường hiện nay, như cổ phiếu TDH liên tục bị nước ngoài bán ra với khối lượng lớn khiến giá giảm còn 28.000 đồng/CP. Nhưng khi nước ngoài ngừng bán vào ngày thứ Tư tuần này, thông tin cổ đông nội bộ đăng ký mua vào được công bố, giá cổ phiếu TDH lập quay đầu tăng trở lại.

Cổ phiếu của ITA của Tập đoàn Tân Tạo cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục 29.000 đồng/CP, nhưng sau đó đã quay đầu tăng kịch trần hai phiên liên tiếp với dư mua cả triệu cổ phiếu. Trong phiên giao dịch hôm qua, lực mua cổ phiếu ITA yếu đi do lo ngại thị trường giảm và nước ngoài bán mạnh nhưng khi thị trường bật lại, cổ phiếu này có khả năng sẽ dư mua khối lượng lớn bởi mức giá hấp dẫn và cam kết chia thưởng cổ tức bằng cổ phiếu tới 50%.

Mặc dù cho đến lúc này khả năng rút tiền về nước hay đầu tư giá xuống của nhà ĐTNN còn bỏ ngỏ, nhưng việc một số nhà đầu tư buộc phải chuyển tiền về nước cũng là điều hết sức bình thường.

Tuy nhiên, với tâm lý thị trường hiện nay, số tiền mà nhà ĐTNN có thể rút về là bao nhiêu cần được các cơ quan quản lý định lượng một cách tương đối và thông tin đến nhà đầu tư, tránh sự lo lắng hoang mang quá mức dẫn đến bán tháo bằng mọi giá của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trên thực tế, quan điểm cho rằng, đa số quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là quỹ đóng nên nguồn vốn có khả năng rút ra chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong tổng nguồn vốn đầu tư gián tiếp là hoàn toàn có cơ sở. Theo thông tin từ một vài DN mà cổ phiếu của họ đã bị nhà ĐTNN bán mạnh, trong khi một vài quỹ lâu năm ở Việt Nam bán ra thì một vài quỹ mới đến lại mua vào.

Và nếu giá cổ phiếu giảm đến mức quá thấp, chính các cổ đông nội bộ trong công ty sẽ đăng ký mua vào như trường hợp của ITA và TDH. Nếu giá tiếp tục giảm nữa thì có công ty sẽ tính đến dùng nguồn vốn thặng dư từ phát hành cổ phiếu với giá rất cao trước kia để mua cổ phiếu quỹ với số lượng có thể lên đến 10% vốn điều lệ của công ty.

Trong nhiều trường hợp, có thể động thái nhà ĐTNN bán tháo cổ phiếu là cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đáy 366 điểm của VN-Index xác lập hồi tháng 6/2008 đã bị xuyên thủng vào phiên giao dịch sáng 23/10, nhưng khả năng rơi sâu khỏi đáy này, theo nhiều chuyên gia phân tích, là rất nhỏ.