Nhà ở xã hội: Vẫn lệch cung - cầu

Theo Thiên Yết/doanhnhansaigon.vn

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nguyên nhân của việc chậm trễ này do vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2018 - 2020 là 1.262 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 13% so với nhu cầu. Riêng năm nay, Ngân hàng chỉ được giao 500 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân.

Nguồn vốn này chỉ cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu về nhà ở, chủ đầu tư dự án không được vay. Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện nhà ở xã hội thì đến nay vẫn chưa được bố trí.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, có 206 nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích trên 8,4 triệu m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí, nhiều dự án đang trong quá trình chuyển đổi từ nhà xã hội sang thương mại.

Thực tế này có vẻ khác với cách nay 9 năm. Còn nhớ tháng 4/2009, lần đầu tiên Chính phủ ra nghị quyết về nhà ở xã hội, tạo kỳ vọng cho cuộc "cách mạng" về nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Hơn nữa, thời điểm đó, thị trường bất động sản rơi vào suy thoái, phân khúc sản phẩm dưới 1 tỷ đồng được xem là một trong những giải pháp được nhiều chủ đầu tư quan tâm nhằm cải thiện tình hình kinh doanh.

Như một trào lưu, khi đó hàng loạt doanh nghiệp xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhưng đến nay, không ít doanh nghiệp mất kiên nhẫn do vấn đề thủ tục nên quay về điểm xuất phát: xây dựng nhà thương mại để chủ động kế hoạch kinh doanh.

Mặt khác, theo chia sẻ của một doanh nghiệp chuyên phát triển dòng nhà ở bình dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, với mức giá dưới 1 tỷ đồng/căn, nhà xã hội đáp ứng với phần lớn khả năng chi trả của người mua.

Doanh nhân cũng quan tâm đến phân khúc này vì nhà xã hội thường không đóng tiền sử dụng đất (thường chiếm từ 30 - 40% vốn phát triển dự án).

Song, cái khó là thiếu quỹ đất sạch, có kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi, vì nếu nằm "cô lập" với các nút giao thông chính, dù giá có rẻ cũng khó bán.

Tại các đô thị có lượng lao động trẻ, dân nhập cư lớn như TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu nhà ở với giá phù hợp như nhà xã hội rất lớn nhưng cung thiếu hoặc có nhưng quá xa trung tâm, đi lại khó khăn nên chưa tạo sức hút.

Mới đây, phát biểu tại hội thảo về cung cầu nhà ở, đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang chuẩn bị quỹ đất sạch nằm gần tuyến Metro, sắp tới sẽ tổ chức đấu thầu, chọn doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án này.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, đây là thông tin vui, vấn đề còn lại là việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án và có cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để tất cả có thể tham gia.