Nới "room" tín dụng, thị trường bất động sản giai đoạn cuối năm liệu có bùng nổ?

Theo Liên Thượng/nhadautu.vn

Động thái cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng lớn mới đây được giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp thị trường địa ốc những tháng cuối năm bùng nổ. Nhưng các chuyên gia bất động sản đánh giá, thị trường không thể có chuyển biến rõ rệt trong giai đoạn này.

 Các chuyên gia cho rằng, việc tăng hạn mức tín dụng từ các ngân hàng sẽ không khiến thị trường địa ốc bùng nổ. Ảnh: Đình Nguyên
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng hạn mức tín dụng từ các ngân hàng sẽ không khiến thị trường địa ốc bùng nổ. Ảnh: Đình Nguyên

Mới đây, 15 ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng 1-4% so với mức cũ. Đáng chú ý nhất là bộ tứ ngân hàng có vốn Nhà nước.

Vietcombank được nới thêm 2,7% hạn mức tín dụng, đưa mức trần lên 17,7% so với 15% như trước đây. Điều này đồng nghĩa, mức vay tối đa ngân hàng này có thể đáp ứng khoảng 32.000 tỷ đồng.

Agribank cũng được nới thêm 3,5% hạn mức tín dụng. Như vậy, nhà băng này sẽ có hạn mức vay tối đa 10,5% và dự kiến có khoảng 50.000 tỷ đồng cho vay.

Trong khi đó, 2 ngân hàng còn lại trong nhóm quốc doanh là BIDV và Vietinbank được nới thêm 0,7% hạn mức tín dụng.

Trong 15 tổ chức tín dụng được nới "room", ngân hàng được nới hạn mức cao nhất là Sacombank với 4% được cộng thêm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tổng cộng, sẽ có thêm khoảng 457.000 tỷ đồng được các ngân hàng "bơm" thêm ra thị trường.

Động thái này cùng việc hàng loạt sản phẩm bất động sản đang được các doanh nghiệp địa ốc giới thiệu thị trường đang mang lại một "làn gió mát" cho giới đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Theo các chuyên gia, diễn biến này có thể thắp lại tia hy vọng cho thị trường bất động sản, nhưng để bùng nổ ở tương lai gần thì không.

Ông Nguyễn Văn Vũ, chuyên viên giao dịch ở một ngân hàng thương mại tại quận 3 (xin không nêu tên ngân hàng) cho biết, trên thực tế, hạn mức tín dụng được nới thêm không cao, dư địa vay còn ít. Phần lớn ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay sản xuất, tiêu dùng, giải quyết hồ sơ vay tồn đọng.

"Giờ anh muốn vay mới đầu tư bất động sản rất khó. Mức lãi suất cho vay vẫn cao, dao động từ 8–12% tùy ngân hàng, trong khi anh phải mua bảo hiểm 1% mới được vay", ông Vũ phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, trao đổi với Nhadautu.vn, ông Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Dân Thái cho rằng, diễn biến thị trường hiện tại cộng với thời hạn hiệu lực nới mức tín dụng ngắn sẽ không giúp thị trường bùng nổ.

"Theo tôi thì các ngân hàng sẽ tập trung giải quyết lượng hồ sơ đăng ký vay còn tồn đọng, thêm nữa, vì hạn mức được tăng thêm không quá nhiều nên các nhà băng sẽ ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang kẹt vốn lưu động được vay. Lãi suất cho vay cũng đang ở mức cao. Trong khi thời gian hiệu lực tăng thêm hạn mức tín dụng chỉ là 8 – 12 tuần nên thị trường bất động sản sẽ không bùng nổ", ông Sơn nhận định và phân tích thêm, ưu tiên của Chính phủ trong năm nay là kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá trong bối cảnh kinh tế thế giới khó lường, nên việc tăng thêm hạn mức là dễ hiểu và chủ yếu để kích cầu thị trường bán lẻ, tiêu dùng, sản xuất hơn là bất động sản.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, việc nới "room" cho các ngân hàng lần này không tác động nhiều tới thị trường bất động sản. Bởi hiện nay việc siết tín dụng cho vay với người mua nhà, cho vay với dự án bất động sản từ các ngân hàng là rất lớn.

Chỉ những dự án đủ pháp lý mới được ngân hàng duyệt hồ sơ, nhưng hiện tại hầu hết các dự án bất động sản đều đang bị tắc pháp lý. Mà dự án không đủ pháp lý chắc chắn ngân hàng không chuẩn bị "room" cho vay.

"Chính vì vậy, giải quyết khúc mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản mới là điều cốt lõi để khôi phục thị trường", ông Ngô Quang Phúc nói.