Thẻ xanh COVID và lộ trình “hồi sức“ mới cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Theo Nguyên Hà/reatimes.vn

Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch đã rơi vào tình trạng “thoi thóp”. Chính sách “mở cửa” là “bình ô xy” cứu doanh nghiệp (DN) nhưng cần triển khai từng bước, không làm đại trà, ồ ạt.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

"Mọi thứ có thể làm chúng tôi đều đã làm, đến lúc phải trở lại sản xuất kinh doanh bình thường"

Theo một khảo sát mới đây của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) với gần 22.000 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực cho biết, dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch là ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chỉ còn 4% doanh nghiệp duy trì hoạt động từ tháng 5/2021 đến nay do dịch lan rộng buộc nhiều địa phương giãn cách xã hội, các khách sạn, nhà hàng tiếp tục “đóng băng”.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, nhiều doanh nghiệp du lịch và lưu trú bày tỏ, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, họ đã rơi vào trạng thái kiệt quệ về tài chính.

“Dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp chúng tôi thiệt hại rất nặng nề. Năm 2020, dù đóng, mở liên tục nhưng vẫn có thể tồn tại, phát triển cầm chừng. Tuy nhiên, đến 9 tháng đầu năm 2021, công ty không có bất cứ một khoản thu nào, tình hình đang giống như cháy nhà tứ phía, khó khăn chồng chất khó khăn”, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group bày tỏ.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết thêm, doanh nghiệp đã đến ngưỡng chịu đựng, nếu không “mở cửa” thì e rằng doanh nghiệp không thể tồn tại trong thời gian tới.

“Sau nhiều lần đóng và mở cửa, chúng tôi đã nỗ lực nhiều nhất có thể, tối ưu hóa nguồn tiền, tìm các biện pháp giữ chân nhân viên. Mọi thứ có thể làm chúng tôi đã làm, kể cả đổi mới sáng tạo hay số hóa toàn bộ doanh nghiệp. Bây giờ đã đến lúc phải trở lại với hoạt động bình thường, trở lại với sản xuất kinh doanh. Chúng ta phải sống chung với COVID-19 chứ doanh nghiệp đã kiệt sức, không thể gắng gượng nữa”, ông Phạm Hà nói.

Ông Trần Đạo Đức, Tổng giám đốc Novotel Phú Quốc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CEO cho biết, khách sạn Novotel Phú Quốc là khách sạn mở cửa đầu tiên với tiêu chuẩn quốc tế để đón khách nước ngoài. Do đó, khi dừng các chuyến bay quốc tế thì khách sạn Novotel Phú Quốc bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

“Tăng trưởng khách du lịch bình quân của Phú Quốc vốn là điều đáng mơ ước của các địa phương thì đến nay Phú Quốc cũng gần như là một ốc đảo bị cô lập vì các chuyến tàu chở khách và các chuyến bay đến Phú Quốc đã phải dừng lại. Hiện nay, các khách sạn của tập đoàn CEO tại Phú Quốc chỉ phục vụ khách tại chỗ và duy trì các bảo hành, bảo trì kỹ thuật cũng như cố gắng để giữ nhân viên của mình ở lại khách sạn để chờ đợi một cơ hội. Và như vậy, hàng tháng, doanh nghiệp phải bỏ ra một chi phí rất lớn. Nếu như không sớm khôi phục trở lại thì chúng tôi e rằng, trong thời gian tới chúng tôi không thể tiếp tục duy trì được hoạt động của khách sạn và phải tạm thời đóng cửa một số cơ sở để chờ đến khi được đón khách du lịch trở lại”, ông Trần Đạo Đức khẳng định.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO, nếu phải đóng cửa các khách sạn, nhân viên không còn ở đây nữa thì khi khách quay trở lại, việc tuyển nhân viên mới sẽ rất khó. Để duy trì chất lượng phục vụ đảm bảo cho khách hàng thì cần có công tác đào tạo, chuẩn bị trong vài tháng. Do đó, đến giai đoạn này, không thể chờ thêm nữa, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch đang cần một “ống thở” để có thể sớm phục hồi và phát triển trở lại.

Thẻ xanh COVID, hộ chiếu vắc-xin là “bình ô xy” của doanh nghiệp

Kế hoạch thí điểm thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc đã được Bộ Chính trị đồng ý tại Kết luận số 07-KL/TƯ ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chủ trương nghiên cứu thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang).

Ông Nguyễn Khắc Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, Tổng Giám đốc Vina Phú Quốc Travel Kiên Giang cho hay, “hộ chiếu vắc-xin” là bình ô xy giúp cho các doanh nghiệp du lịch, lưu trú "hồi tỉnh" sau thời gian dài "ngủ đông".  Ngoài ra, nguồn khách nội địa đang có nhu cầu đi du lịch lớn, việc đẩy mạnh tiêm chủng, cấp “thẻ xanh COVID” cũng sẽ là một liều thuốc tốt để ngành du lịch trong nước của chúng ta khỏe lại.

Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, dưới tác động của dịch COVID-19, nhu cầu đi du lịch của nhiều du khách bị nén rất lâu. Và hiện nay, nhu cầu đi du lịch của khách đang giống như như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Nhu cầu rất lớn, chỉ có điều chúng ta có đáp ứng được nhu cầu đó hay không? Đây là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lưu trú phục hồi và doanh nghiệp đang rất mong chờ được mở cửa đón khách trở lại. Những biện pháp mở cửa trở lại, cấp thẻ xanh cho khách nội địa và "hộ chiếu vắc-xin" cho khách quốc tế là rất tốt, chúng tôi rất mong chờ điều này”, ông Hà khẳng định. Tuy nhiên, vị này cho rằng, dù doanh nghiệp rất mong chờ nhưng việc triển khai cũng nên cẩn trọng vì tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.

Đồng quan điểm, ông Trần Đạo Đức, Tổng Giám đốc Novotel Phú Quốc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CEO cũng nhìn nhận, chúng ta thực sự rất cần một cơ hội để hồi phục và phát triển. “Tôi cảm giác “thẻ xanh COVID” là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp từ hàng không, lữ hành, du lịch, dịch vụ…”, ông Đức khẳng định và nói thêm, việc mở cửa là cần thiết nhưng cũng cần phải đặt ra mục tiêu an toàn cho nhân viên, an toàn cho cộng đồng.

Theo đó, ngay từ đợt dịch thứ nhất, thứ hai, CEO đã xây dựng sẵn các phương án từ việc cách ly đối với nhân viên, đối với du khách vì mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn cho du khách.

Gần đây khi Thủ tướng đồng ý cho Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế, doanh nghiệp rất phấn khích khi là địa phương đầu tiên được đón khách quốc tế. Tuy nhiên, Phú Quốc không như Phuket chỉ cần đón khách quốc tế là đảm bảo được mục tiêu. Phú Quốc thời gian qua vẫn phụ thuộc vào khách nội địa, những năm qua khách nội địa chiếm tới 70%. Cho nên thời gian tới vẫn phải tính phương án thu hút khách nội địa.

Ông Đức cho biết thêm, sau rất nhiều lần on/off, mỗi doanh nghiệp kể cả cơ quan quản lý Nhà nước đã rút ra được nhiều bài học.

“Khi áp dụng ‘thẻ xanh COVID’, chúng ta rẽ sang quan điểm khác, không phải là dịch bùng phát sẽ giãn cách như trước. Chúng ta sẽ dùng thẻ xanh để phát triển kinh tế nhưng vẫn kiểm soát được dịch, tỷ lệ người mắc. Đây là hướng đi mới đảm bảo phát triển ngành du lịch, hàng không, lữ hành. Tôi tin trong tương lai sẽ không còn những lần on/off ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thời gian qua. Với số lượng về chưa đủ vắc-xin, chúng ta có thể thực hiên “on” từng bước tại những vùng an toàn trước và chờ đợi vắc-xin”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO khẳng định.

Bà Nguyễn Hồng Yến, Giám đốc Kinh doanh của khu nghỉ dưỡng Avana Retreat (Hòa Bình) cho biết, doanh nghiệp cũng mong muốn áp dụng “thẻ xanh COVID” nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng để phát triển bền vững.

“Khu nghỉ dưỡng cũng đã chuẩn bị nhiều nguồn lực để đón khách trở lại nhưng vẫn đảm bảo an toàn về mặt y tế. Khu nghỉ dưỡng đã đề nghị Hòa Bình để được tiêm cho toàn bộ nhân viên tuy nhiên lượng vắc-xin chưa có nhiều và hiện Hòa Bình cũng đang ở vùng xanh. Chúng tôi cũng kiến nghị việc thực hiện cần phải có sự đồng bộ, hướng dẫn rõ ràng và nhất quán trong dài hạn để tránh thay đổi liên tục ảnh hưởng đến các doanh nghiệp”, bà Yến khẳng định.

Ông Murali Viswanathan, Tổng quản lý Renaissance Riverside Hotel Saigon cho rằng, để chương trình “hộ chiếu vắc-xin” có thể thực hiện hiệu quả cần có sự thống nhất toàn diện các quy định, ví dụ hiện nay có rất nhiều ứng dụng khác nhau nên cần có một ứng dụng thống nhất sử dụng cho cả khách quốc tế và trong nước.

Thứ nữa là tính dài hạn của các giải pháp. Thông thường một vấn đề hiện nay các giải pháp được đưa ra nhưng gặp rất nhiều áp lực nên một số giải pháp chưa mang tính dài hạn. Do đó, “thẻ xanh” này cần có cái nhìn dài hạn hơn, không phải chỉ là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng mà phải tính đến 1 năm, 3 năm thậm chí 5 năm sau. Tóm lại cần một lộ trình rõ ràng, tránh tình trạng làm một vài tháng xong lại thay đổi.

Bên cạnh đó, theo ông Murali Viswanathan, Việt Nam cũng cần học hỏi cách làm của các nước, có một số địa điểm cũng đã khá thành công với mô hình này. Ví dụ như ở Thái Lan tại Bangkok có một chương trình của Chính phủ cam kết khách sạn này an toàn. Việc Chính phủ có thể chứng nhận về an toàn cho một khách sạn, địa điểm cũng rất quan trọng, đem đến sự tự tin cho khách du lịch để họ cảm thấy an toàn hơn khi họ tới sử dụng dịch vụ.

Nói thêm về khó khăn trong triển khai “hộ chiếu vắc-xin”, “thẻ xanh COVID”, ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế có đưa quy định chung để tạo điều kiện cho người dân được cấp “thẻ xanh COVID”, để tham gia các hoạt động du lịch trở lại điều đó cũng là thực hiện mục tiêu kép do Thủ tướng Chính phủ đề ra là vừa chống dịch và phát triển kinh tế.

“Sau quá trình thử nghiệm sẽ có đánh giá để điều chỉnh từng tháng, từng giai đoạn và đề xuất dần dần mở rộng đối tượng tham gia đón khách. Chúng ta sẽ chỉ mở cửa từng bước chứ không mở cửa đại trà, ồ ạt. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong cuộc họp với Bí thư tỉnh Kiên Giang, hai đồng chí lãnh đạo khẳng định chỉ mở cửa đón khách khi người Phú Quốc tiêm 90% cư dân là người lao động từ 18 tuổi trở lên. Đây cũng là bước đi thận trọng của ngành du dịch trong thời gian tới”, ông Dũng khẳng định.