Thị trường bất động sản năm 2019: Nhiều thách thức

Theo Lại Hùng/kinhtenongthon.vn

Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá, những nhân tố khách quan, chủ quan và dự báo thị trường BĐS năm 2019 sẽ đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.

Thị trường BĐS năm 2019 được HoREA đưa ra dự báo sẽ đứng trước nhiều thách thức, trong đó có việc thiếu hụt nguồn cung quỹ đất. Nguồn: internet
Thị trường BĐS năm 2019 được HoREA đưa ra dự báo sẽ đứng trước nhiều thách thức, trong đó có việc thiếu hụt nguồn cung quỹ đất. Nguồn: internet

Nhiều nhân tố tác động

Từ nay đến Tết Kỷ Hợi và trong năm 2019, dự báo có nhiều nhân tố cả chủ quan và khách quan tác động đến thị trường BĐS.

Cụ thể, đối với các nhân tố khách quan, sẽ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn và xu thế giá dầu tăng mạnh có tác động đến nền kinh tế và thị trường BĐS nước ta. Bên cạnh hiện tượng một số dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán thì lại có một số dòng vốn FDI khác đầu tư vào thị trường công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, BĐS. Vấn đề đặt ra đối với thị trường BĐS là tận dụng lợi thế của đất nước để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam và thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI, nguồn vốn của Kiều bào để bổ sung, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ngoài ra, doanh nhân và doanh nghiệp nước ngoài đã bổ sung cho doanh nhân và doanh nghiệp BĐS Việt Nam về tầm nhìn, vốn, văn hóa kinh doanh, phong cách kiến trúc, kỹ năng quản lý dự án, quản trị doanh nghiệp, tăng thêm tính minh bạch và tính giải trình.

Đối với các nhân tố chủ quan, sẽ chịu ảnh hưởng bởi thể chế, hệ thống pháp luật - nhân tố quyết định để kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng, trong đó có lĩnh vực BĐS, thủ tục hành chính, con người hành chính thực thi pháp luật là nhân tố có vai trò quyết định trực tiếp.

Quy hoạch Vùng TP. Hồ Chí Minh, trực tiếp là Quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh định hướng đến năm 2030; Chương trình xây dựng và chỉnh trang đô thị, trong đó, có Chương trình di dời, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, Chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; Đề án xây dựng đô thị thông minh và Đề án xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông TP. Hồ Chí Minh, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị giai đoạn 2016 - 2020 cùng kế hoạch triển khai thực hiện các dự án Khu đô thị mới, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị... là những nhân tố định hướng sự phát triển thị trường BĐS bền vững.

Nhiều doanh nghiệp và doanh nhân BĐS đã có sự chuyên nghiệp, có năng lực cả về tài chính và quản trị doanh nghiệp, coi trọng xây dựng uy tín thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp. Đã có sự gắn kết hữu cơ, cộng sinh, cộng đồng trách nhiệm giữa doanh nghiệp BĐS và ngân hàng thương mại, đã dần hình thành lớp người tiêu dùng có trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng vẫn còn có một số chủ đầu tư, đơn vị môi giới, cò đất, cò nhà kinh doanh kiểu chụp giật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường hiện đang có hiện tượng thiếu hụt nguồn cung dự án BĐS, thiếu hụt nguồn cung quỹ đất sạch phục vụ đầu tư phát triển... 

Dự báo thiếu hụt nguồn cung quỹ đất

Theo báo cáo của HoREA, thị trường BĐS sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn từ nay đến Tết Kỷ Hợi, cũng là cao điểm của thị trường BĐS. Dự báo thị trường BĐS năm 2019 sẽ đứng trước nhiều thách thức.

Thách thức trước hết là do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, thiếu hụt nguồn cung dự án phân khúc nhà ở trung cấp và phân khúc nhà ở bình dân. Trong thị trường BĐS, phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền và phân khúc nhà ở trung cấp vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, phát triển bền vững của thị trường và có tính thanh khoản cao nhất.

Phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung, phải đối diện với nhiều thách thức rất lớn trong năm 2019. Do vậy, theo HoREA, các chủ đầu tư cần phải tính toán cơ cấu lại sản phẩm và lộ trình, tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường. Sự cạnh tranh ở phân khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt, các dự án sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ. Trong đó, các dự án căn hộ cao cấp tại khu trung tâm thành phố lại được hưởng lợi thế “độc quyền” vì thành phố đã quyết định không chấp thuận thêm dự án chung cư cao tầng từ nay đến năm 2020.

Xu thế xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, an ninh, an toàn, trước hết là về phòng cháy chữa cháy sẽ rất được coi trọng.

Dự báo phân khúc nhà ở xã hội, thiết chế Công đoàn sẽ có nguồn vốn và quỹ đất để phát triển kể từ quý IV/2018 trở đi. Dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (mới) cho phép xây dựng căn hộ chung cư nhà ở thương mại có diện tích dưới 45 m2 với tỷ lệ nhất định ở những khu vực phù hợp, sẽ tạo điều kiện phát triển căn hộ giá rẻ, trong đó, có loại căn hộ cho thuê giá rẻ.

Giá cả của phân khúc đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép sẽ trở về giá trị thực và các khu vực bị phân lô trái phép sẽ được rà soát, chấn chỉnh theo quy định của pháp luật. Phân khúc condotel sẽ tiếp tục xu thế chững lại và giá cả hợp lý hơn. Dự kiến sẽ có các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các loại hình BĐS mới như condotel, hometel, officetel, serviced apartment, shophouse để định hướng phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200ha đất ở. Kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của thành phố, và kế hoạch của VAMC thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó, nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án BĐS, giúp thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) phát triển mạnh hơn.