Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: Ma trận!
Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính. Thị trường bất động sản Việt Nam tuy phát triển sôi động nhưng chưa thực sự thu hút được dòng tiền của người nước ngoài đổ vào để mua nhà ở Việt Nam.
Cuối năm 2017, một báo cáo về tình hình địa ốc ở Hoa Kỳ cho thấy số công dân nước ngoài đã chi tiêu đến 153 tỷ USD mua bất động sản (BĐS) tại đây, trong đó người Việt Nam xếp hạng 9 với 3,06 tỷ USD. Đây có thể nói là một khoản ngoại tệ tương đối lớn từ trong nước chảy ra nước ngoài.
Điều kiện mua nhà chưa hấp dẫn
Số liệu thống kê cho thấy hàng ngàn người nước ngoài đã được mua nhà ở Việt Nam. Đơn cử như khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ Hưng có hơn 30.000 người sinh sống thì có tới 40% là người nước ngoài sở hữu chung cư, biệt thự, nhà liền kề.
Tại Hà Nội, một số dự án như Ecopark, Ciputra, Sunshine City (Sunshine), Eldorado (Tân Hoàng Minh), Sidelake (Hàn Quốc), Gold Park (Contraxim), The Sun, Gold Mark (TNR)… cũng là những KĐT có vị trí và hạ tầng tiện nghi đồng bộ, thu hút được số lượng lớn người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam đến mua nhà.
Tuy nhiên, theo con số thống kê từ Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến cuối năm 2017, mới có hơn 800 người nước ngoài có giấy chứng nhận sở hữu nhà tại Việt Nam.
Anh Michael Palaz đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tại Hà Nội, chia sẻ rằng anh đang rất muốn mua nhà ở Việt Nam vì đã xác định sẽ làm việc lâu dài ở đây nhưng anh vẫn lo lắng về quyền sở hữu. Lo ngại này là có lý do, bởi Luật Đất đai, Luật Nhà ở thường xuyên có điều chỉnh, sửa đổi.
Bên cạnh đó, anh Michael vẫn thấy có sự chưa bình đẳng giữa người trong nước với người nước ngoài. Ví dụ như người Việt Nam được ưu đãi phí dịch vụ chung cư, còn người nước ngoài thì không được ưu đãi.
Các thủ tục giấy tờ để sở hữu nhà vẫn vô cùng phức tạp. Ngoài ra, người nước ngoài còn khó khăn vướng mắc trong việc chuyển khoản tiền mua nhà từ tổ chức tín dụng nước ngoài vào Việt Nam.
Việc cá nhân người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam còn gặp một số rào cản, các tổ chức, DN nước ngoài muốn sở hữu BĐS còn gặp nhiều rào cản hơn. Do đó, các tổ chức, các DN nước ngoài đã tìm cách lách luật bằng hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trên thị trường BĐS. Điều này được thể hiện, các thương vụ M&A diễn ra ngày càng sôi động.
Hiện nay, số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam lên đến gần 400.000 người. Trong vài năm tới, con số này còn gia tăng, khi Việt Nam mở rộng hơn cánh cửa hội nhập kinh tế, kéo theo nhu cầu sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thiếu thông tin tổng hợp
Theo bà Liễu Nguyễn, - Đại sứ Hiệp hội BĐS Hoa Kỳ tại Việt Nam, Việt Nam khuyến khích người nước ngoài đầu tư BĐS nhưng pháp luật của Việt Nam chưa thật rõ ràng, khiến mỗi người hiểu một cách.
"Tôi hiểu cách này bạn hiểu cách khác. Tiền tôi mang vào đầu tư thì dễ, nhưng để tôi được mang ra thì rất khó, như vậy không khuyến khích được nhà đầu tư mang tiền vào Việt Nam", bà Liễu Nguyễn nói.
Chia sẻ về những rào cản này, ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng vấn đề mà Việt Nam mắc phải là xây dựng luật rất rõ, nhưng lại có rất nhiều quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư cần tuân thủ.
"Luật cởi mở cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhưng hiện nhiều người không biết mua như thế nào, thủ tục ra sao, có được chuyển tiền về nước không", ông Hà cho hay.
Trên thực tế, việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài quy định rất rõ. Tuy nhiên, người nước ngoài lại không được cung cấp thông tin. Thông tin duy nhất được tiếp cận là trên website chính thống của Nhà nước, nhưng lại chưa rõ.
Theo ông Hà, đây là một trong những điểm yếu nhất khi triển khai thực tế các quy định của pháp luật, bởi vì mỗi cơ quan phụ trách một lĩnh vực, không có hướng dẫn định hướng cụ thể.
Đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý quy định được chuyển nhượng như thế nào, người nước ngoài được mua những gì; Bộ Xây dựng quy định đối tượng nào được mua, mua sản phẩm nào... Bộ Công an quản lý về visa, phải có visa mới được mua nhà; quản lý thuế lại là Bộ Tài chính; chuyển tiền ra nước ngoài lại do Ngân hàng Nhà nước… thế nên, nó như một mớ bòng bong, người nước ngoài rất khó hiểu.
"Tôi cho rằng phải có một cẩm nang hay quy định chung tổng hợp các văn bản đó, nhưng hiện nay chưa cơ quan nào đứng ra tập hợp. Bản thân người Việt còn chưa biết hết, chứ chưa nói đến người nước ngoài", ông Hà nhấn mạnh.