Thị trường Tết Nguyên đán 2018: Sẽ không có nhiều biến động lớn về giá

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Theo đánh giá của Trưởng phòng Điều tiết cung cầu, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Thị Hồng, thị trường hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 được dự báo sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu đều được chuẩn bị và dữ trữ đầy đủ, giá cả sẽ không có nhiều biến động lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bảo đảm các mặt hàng thiết yếu

Thưa bà, tình hình nguồn cung hàng hóa dịp Tết Mậu Tuất 2018 sẽ như thế nào?

Nguồn hàng năm nay tăng cơ bản 10 - 15% so với năm trước. Thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước đã có chương trình làm việc với một số địa phương về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán 2018. Qua làm việc sơ bộ, các loại hàng hóa đang được chuẩn bị khá tốt. Hiện có khoảng hơn 40 địa phương đã có báo cáo về Bộ Công thương, trong đó công tác chuẩn bị Tết và chuẩn bị nguồn hàng đều được chuẩn bị tích cực.

Về cơ bản, các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm đầy đủ. Nếu không có vấn đề phát sinh, chắc chắn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Theo tôi, thị trường sẽ không có nhiều biến động lớn đối với các nhóm hàng thiết yếu, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm.

Qua làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy các địa phương đã có kế hoạch và có các phương án để ứng phó với biến động thời tiết hiện nay. Tuy nhiên, thời tiết cực đoan chỉ diễn ra cục bộ, khắc nghiệt ở một số nơi. Một số tỉnh phía Bắc sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên những vùng sản xuất hàng hóa chính cho thị trường may mắn không bị ảnh hưởng lớn, cho nên không quá lo ngại ảnh hưởng đến nguồn cung.

Về nguồn cũng là như vậy, nhưng biến động giá cả sẽ ra sao? Những mặt hàng nào được đánh giá sẽ tăng mạnh trong dịp Tết này, thưa bà?

Những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng của người dân hàng ngày giá có thể tăng từ 15 - 20%. Các mặt hàng rau xanh và thịt lợn đang ở mức rất thấp, tuy nhiên đến thời điểm gần Tết có thể giá sẽ tăng, nhưng ở mức tăng nhẹ, không biến động quá nhiều. Chẳng hạn như giá lợn hơi đang ở mức 30.000 - 33.000 đồng/kg thì đến gần tết có thể tăng lên 35.000 - 37.000 đồng/kg.

Ngoài ra, các loại quả, trái cây và hoa cũng sẽ tăng giá trong dịp Tết này. Tuy nhiên, vì thị trường hiện nay có nhiều nguồn hàng từ miền Nam, hàng nhập khẩu nên người dân sẽ có nhiều lựa chọn. Bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát cũng được dự báo sẽ tăng nhưng ở mức không quá cao.

17 địa phương thực hiện chương trình bình ổn

Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị 48/CT-TTg tăng cường quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán. Vậy Vụ Thị trường trong nước đã có phương án triển khai như thế nào để quản lý và theo dõi thị trường, thưa bà?

Bộ Công thương là đơn vị quản lý chính về thị trường trong nước nên đã chủ động ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT về công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường từ ngày 7/11/2017, trước khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 48. Bộ Công thương đã gửi cho toàn bộ đơn vị thuộc bộ, các doanh nghiệp, tổng công ty và Sở Công thương. Thực hiện Chỉ thị này, Vụ Thị trường trong nước cũng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị thực hiện khá tốt.

Theo đó, ngoài theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, Vụ cũng phối hợp với các bộ, ngành địa phương trong công tác điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý để bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tạo điều kiện cho các địa phương, các doanh nghiệp triển khai chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, kết hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, các hoạt động kết nối cung cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm thúc đẩy tiêu thụ và tạo nguồn hàng bình ổn cũng được triển khai.

Vậy các địa phương và doanh nghiệp đã triển khai chương trình bình ổn giá như thế nào, thưa bà?

Hiện đã có khoảng 45/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, trong đó 17 địa phương đang thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, đường, bánh kẹo… Các địa phương, doanh nghiệp cũng đang tập trung sản xuất, tạo nguồn dự trữ hàng hóa, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu gắn với công tác bình ổn thị trường Tết và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cùng đó, các doanh nghiệp đã chủ động mở rộng hệ thống, mạng lưới phân phối hàng hóa đến các huyện vùng sâu, vùng xa. Lên kế hoạch thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn, mở các đợt, chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng, các hội chợ thương mại ở các quận, huyện.

Với công tác giám sát, kiểm tra các hành vi buôn lậu, hàng giả hàng nhái, bà đánh giá ra sao?

Theo tôi, các địa phương đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát không chỉ với hàng hóa nhập lậu, hàng giả hàng nhái mà còn kiểm soát cả về chất lượng cũng như giá cả. Thực hiện Chỉ thị số 14 của Bộ, các ban, ngành chức năng đã phối hợp thành lập đoàn kiểm tra, thực hiện kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên tai, bão lụt để nâng giá, găm hàng, đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng vào thị trường. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, các thủ đoạn gian lận đo lường, đóng gói nhằm thu lợi bất chính; đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Xin cảm ơn bà!