Đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất 2018
Với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 kéo dài 7 ngày, nhu cầu mua sắm Tết được dự báo tăng đột biến, các doanh nghiệp trên cả nước đã tích cực chuẩn bị chu đáo nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối phủ rộng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tết năm nay sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về giá.
Hà Nội: Khoảng 26.000 tỉ đồng dự trữ hàng hóa Tết
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về việc chuẩn bị hàng phục vụ dịp Tết chiều 8/1, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, dịp Tết năm nay đến muộn hơn các năm trước, do đó công tác chuẩn bị có thời gian hơn.
Theo Sở Công thương, tính đến thời điểm hiện tại, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán 2018 bao gồm: 193.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò, 200 triệu quả trứng gia cầm… Ước tính tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết lên đến 26.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017.
Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát dự kiến đưa ra thị trường lượng hàng hóa có giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng như giò chả, miến, nông sản chế biến… sẽ đưa ra lượng hàng hóa trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng. doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá khoảng 12.830 tỷ đồng. Đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô, dự kiến đưa ra lượng hàng hóa đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biét, từ nay đến Tết Nguyên Đán, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Công an thành phốtăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong dịp Tết.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị hàng hóa, điểm bán hàng Tết; chuẩn bị bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, được vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết 24/24 giờ; đồng thời, tăng cường rà soát, xử lý các điểm có nguy cơ cao về hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
TP. Hồ Chí Minh: 17.800 tỷ đồng dự trữ hàng Tết
Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất cung ứng cho 2 tháng Tết hơn 17.800 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường là hơn 7.000 tỷ đồng. So với năm 2017, lượng hàng hóa chuẩn bị năm nay tăng khoảng 20% - 30% so với năm 2017 và với lượng hàng hóa này có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong những ngày Tết.
Thành phố có hơn 10.600 điểm bán hàng bình ổn thị trường nhằm đảm bảo đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng với giá cả ổn định. Ngoài ra, trong 2 tháng cao điểm Tết, các doanh nghiệp sẽ tổ chức khoảng 450 chuyến xe bán hàng lưu động phục vụ công nhân ở lại thành phố đón Tết.
Các doanh nghiệp cũng cam kết không tăng giá hàng hóa trong dịp Tết; đặc biệt với nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, gạo, dầu ăn… các doanh nghiệp cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết (tức ngày 15/1/2018 đến hết ngày 15/3/2018); đồng thời sẽ có chương trình giảm giá sâu để hỗ trợ người dân trong hai ngày 29 và 30 Tết.
Đại diện các cơ quan chức năng của thành phố cũng cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá; tăng cường công tác phối hợp kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng vào các chợ đầu mối, các chợ truyền thống, các điểm bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đồng thời xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết - Những vấn đề cần quan tâm” mới đây, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: “Thành phố không dung túng và không có đất sống cho doanh nghiệp làm ăn gian dối. UBND thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành của Bộ, ngành Trung ương để khởi tố ngay các trường hợp vi phạm pháp luật. Thành phố cũng không dung túng cho bất cứ cán bộ tiêu cực, xử lý doanh nghiệp có hành vi làm ăn gian dối để đảm bảo sức khỏe cho người dân”.
Đà Nẵng: Gần 830 tỉ đồng nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết
Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, Sở Công Thương Đà Nẵng đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trong việc chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất với tổng giá trị gần 830 tỷ đồng.
Trong đó, tổng số hàng hóa thiết yếu dự trữ của 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối tham gia gồm 200 tấn gạo các loại, 750 tấn thịt các loại, 145 tấn rau củ quả, 450 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, thực phẩm khô... giá trị khoảng 180 tỷ đồng. Thương nhân kinh doanh tại 8 chợ lớn của Thành phố dự trữ hàng hóa khoảng 150 tỷ đồng. Hệ thống cửa hàng ở các tuyến phố chuyên doanh tham gia dự trữ hàng hóa khoảng 500 tỷ đồng.
Ngoài dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương cũng đã lên phương án bình ổn thị trường thịt lợn - mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất dịp Tết. Theo đó, sẽ bán thịt lợn tại 15-20 điểm, tập trung ở các chợ gần khu dân cư trong 2-3 ngày giáp Tết với giá bán được niêm yết công khai, bằng giá xuất tại lò mổ.
Về tổ chức đưa hàng phục vụ đồng bào miền núi, siêu thị Co.opmart Đà Nẵng sẽ bán hàng tại 2 xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang, mỗi địa điểm tổ chức một chuyến xe lưu động, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, mứt, nước giải khát, đồ khô, quần áo... với giá bán bằng giá bán lẻ tại Đà Nẵng. Siêu thị này cũng sẽ triển khai các chương trình khuyến mãi đối với một số mặt hàng trong thời gian bán hàng.
Sở Công Thương cũng giao Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố tổ chức một phiên chợ Tết phục vụ công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh với 40 gian hàng, tập trung các mặt hàng phục vụ Tết, đồng thời áp dụng thêm các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn.
Về vấn đề kiểm tra, kiểm soát thị trường, ông Nguyễn Hà Bắc cho biết, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ động xây dựng và tiếp tục triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên như: Kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, cũng như trong khâu lưu thông, vận chuyển; tăng cường kiểm tra các tụ điểm tập kết hàng hóa; triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra kiểm soát định kỳ cho năm 2018.